Máy bay trinh sát tàng hình tuyệt mật của Mỹ

13/11/2019 09:00 GMT+7

Dòng máy bay trinh sát tàng hình tuyệt mật của không quân Mỹ được cho gia nhập lực lượng từ năm 2017 và nhiều khả năng đã được đưa đến căn cứ Guam ở Thái Bình Dương.

Không quân Mỹ chưa bao giờ chính thức thừa nhận sự tồn tại của dòng máy bay trinh sát tàng hình không người lái RQ-180, được cho là hậu duệ của dòng máy bay khét tiếng SR-71.
Vào năm 2013, tạp chí Aviation Week & Space Technology lần đầu tiên vén màn bí mật về dòng máy bay do Hãng Northrop Grumman sản xuất, theo đó đăng tải thông tin liên quan đến sự phát triển của RQ-180. Đến ngày 24.10.2019, ấn bản uy tín của Công ty The Aviation Week Network, trụ sở tại New York (Mỹ), dự đoán không quân Mỹ hiện có một phi đội gồm 7 chiếc RQ-180.

Con lai B-2 và B-21

Tham mưu trưởng không quân Mỹ, tướng David Goldfein hôm 6.11 tiết lộ lực lượng đang hướng đến tham vọng kết nối các dòng chiến đấu cơ tàng hình hiện đại nhất của nước này, như F-22, F-35, với con tàu vũ trụ X-37B được cắm trên quỹ đạo trái đất. Theo tạp chí Không quân Mỹ, sự kết hợp của hai nền tảng khí tài trên được xem là viễn cảnh cho phép gia tăng lợi thế tác chiến cho quân đội Mỹ. Đây là hướng đi trọng điểm cần phải thực hiện trong lúc Lầu Năm Góc đang nghiên cứu đưa vào sử dụng các dòng vũ khí mới như tên lửa bội siêu thanh, súng laser, dựa trên sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo, và sức mạnh của hệ thống máy tính lượng tử.
Theo Aviation Week & Space Technology, dòng RQ-180 lần đầu tiên cất cánh là vào năm 2010, cho phép không quân Mỹ một lần nữa có năng lực chọc thủng các mạng lưới phòng không của đối thủ nhờ vào dòng máy bay trinh sát tầm xa. Lần cuối cùng lực lượng Mỹ sở hữu được năng lực đó là vào thời SR-71, dòng máy bay trinh sát chiến lược tầm cao và tầm xa, đạt tốc độ bay Mach 3 (tức gấp 3 lần vận tốc âm thanh), do Lockheed Martin phát triển và đưa vào sử dụng cho đến cuối thập niên 1990.

Oanh tạc cơ tàng hình B-2

Một số nguồn tin cho hay RQ-180 có hình dạng tương tự như oanh tạc cơ tàng hình B-2, có nghĩa là thân và cánh liền khối, hệ thống ăng ten được tích hợp vào lớp vỏ của cánh. Để bay đường dài, Northrop Grumman quyết định nâng sải cánh của RQ-180 lên 52 m, vì thiết kế như B-2 không cho phép có không gian chứa bồn nhiên liệu, động cơ, cảm biến và vũ khí. Tất cả mọi thứ đều phải được nén vào thân phi cơ, buộc dòng máy bay mới phải có cánh rộng hơn, dài hơn. Để dễ so sánh, máy bay trinh sát không người lái Global Hawk của Mỹ chỉ có sải cánh 40 m.
Tuy nhiên, kích thước của máy bay trinh sát thế hệ mới lại nhỏ hơn B-2, đồng thời được trang bị những cải tiến áp dụng cho dòng máy bay ném bom thế hệ mới B-21 Raider, oanh tạc cơ tương lai của Mỹ, theo tạp chí Không quân Mỹ. Chưa rõ các chi tiết về những cải tiến này.

Hình dung về mẫu máy bay B-21

Thử nghiệm ở Vùng 51

Theo các nguồn thạo tin, không quân Mỹ đã thử nghiệm RQ-180 tại hồ Groom thuộc Vùng 51 tuyệt mật của quân đội ở bang Nevada. “Vào năm 2009, thời điểm Northrop Grumman đang sản xuất nguyên mẫu RQ-180, không quân Mỹ đã bắt đầu công tác sát hạch dòng máy bay mới trước khi cho bay thử chiếc đầu tiên tại hồ Groom”, theo The National Interest. Thông tin do chuyên san Aviation Week & Space Technology bổ sung đã xác định 2010 là năm then chốt đối với chương trình phát triển dòng máy bay chiến lược này của không quân Mỹ.
Máy bay đầu tiên của dự án, gọi là V1, cất cánh vào ngày 3.8.2010 ở hồ Groom. Khi V1 được thử nghiệm hơn 14 tháng, Northrop Grumman bắt đầu bổ sung chiếc thứ hai là V2, cất cánh vào tháng 11.2011. Thêm 3 máy bay thử nghiệm nối tiếp trong suốt 15 tháng sau đó. Kế tiếp, số máy bay trinh sát tàng hình này được chuyển sang căn cứ không quân Edwards ở bang California. Tại đây, chiếc V6 được cho đã bay thử hồi tháng 8.2015, và nhiều manh mối cho thấy lực lượng Mỹ đã đạt được mốc quan trọng trong nỗ lực đưa máy bay trinh sát tàng hình thế hệ mới vào sử dụng. Chiếc thứ 7, cũng là chiếc cuối cùng trong dây chuyền sản xuất RQ-180, cất cánh vào tháng 11.2015. Sau đó, có vẻ như đã diễn ra một chuyến bay thử nghiệm bí mật tầm xa vào đầu năm 2017, thông qua sứ mệnh mang tên Dự án Magellan. Các nguồn thạo tin cho hay mục tiêu của dự án này là kiểm tra hệ thống định vị không người lái của RQ-180 ở vĩ độ cao, như cực Bắc.
Cách đây 2 năm, RQ-180 đã sẵn sàng cho sứ mệnh đầu tiên. Để hỗ trợ các sứ mệnh tầm xa của dòng máy bay mới, không quân Mỹ đã thành lập hai phân đội, bao gồm phân đội 3 ở căn cứ không quân Beale (bang California), còn phân đội 4 ở căn cứ không quân Andersen tại Guam. Trong đó, căn cứ ở Guam đóng vai trò làm bàn đạp cho các chiến dịch của không quân tại Tây Thái Bình Dương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.