Máy bay mất tích bị cướp theo kiểu 11.9?

17/03/2014 09:15 GMT+7

Giới chức Malaysia điều tra tất cả những người có mặt trên chuyến bay mất tích MH370 giữa lúc có giả thuyết về âm mưu tương tự vụ khủng bố 11.9.

Giới chức Malaysia điều tra tất cả những người có mặt trên chuyến bay mất tích MH370 giữa lúc có giả thuyết về âm mưu tương tự vụ khủng bố 11.9.

>> Toàn cảnh máy bay Malaysia mất tích

 Máy bay mất tích bị cướp theo kiểu 11.9?
Một phụ nữ viết thông điệp cầu nguyện cho hành khách mất tích - Ảnh: AFP

Ngày 16.3, một sĩ quan quân đội Malaysia tiết lộ với AFP rằng giới điều tra chuyến bay MH370 mất tích đã giả lập đường bay của chiếc máy bay mất tích. Kết quả chuyến bay mô phỏng giúp giới điều tra củng cố niềm tin rằng máy bay mất tích có thể nằm tại một trong hai hành lang mà họ đã suy luận trước đó, dựa trên dữ liệu từ ra đa quân sự. Đó là hành lang phía bắc từ Malaysia đi qua Thái Lan rồi hướng về phía Kazakhstan hoặc hành lang phía nam trải dài từ Indonesia tới nam Ấn Độ Dương.

Không loại trừ bất cứ ai

Cũng từ dữ liệu trên, Thủ tướng Malaysia Najib Razak ngày 15.3 khẳng định máy bay mất tích đã bị chuyển hướng một cách cố ý nên cuộc điều tra sẽ tập trung vào nhân tố con người. Ngoài hành khách và phi hành đoàn, nhà chức trách còn điều tra cả những kỹ sư có tiếp xúc với máy bay trước khi cất cánh. Giới chức Malaysia hôm qua cho biết cảnh sát đã lục soát nhà của hai phi công máy bay mất tích và đang kiểm tra thiết bị mô phỏng bay thu được từ nhà cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah.

Theo tờ Daily Mail, cơ trưởng Zaharie (53 tuổi) là người ủng hộ lãnh đạo phe đối lập Anwar Ibrahim ở Malaysia. Vài giờ trước khi chuyến bay MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur, ông Zaharie đã tham dự phiên xử gây tranh cãi, mà trong đó ông Anwar bị tuyên án 5 năm tù giam. Nhiều nguồn tin cảnh sát xác nhận ông Zaharie là nhà hoạt động chính trị và có lo ngại rằng phán quyết của tòa án đã khiến ông này thất vọng. Cảnh sát Malaysia đang điều tra nền tảng tôn giáo và chính trị của cơ trưởng Zaharie và cơ phó Fariq Abdul Hamid. Cùng ngày, ông R.Sivarasa, ủy viên Ban điều hành đảng đối lập PKR của ông Anwar, xác nhận cơ trưởng Zaharie cũng là thành viên của PKR. Ông này còn nói rõ rằng ông Zaharie trở thành thành viên của PKR từ ngày 23.1.2013, theo báo News Straits Times. Trong khi đó, Tân Hoa xã dẫn lời Giám đốc truyền thông PKR Fahmi Fadzil lại bác thông tin cơ trưởng Zaharie là “người ủng hộ cuồng nhiệt” của PKR. Bạn bè của cơ trưởng Zaharie thì khẳng định họ không tin ông là “kẻ khủng bố”.

Kế hoạch dùng bom giày cướp máy bay

Ngoài ra, báo The Telegraph cho rằng giới chức có thể đang điều tra giả thuyết máy bay mất tích là do bị không tặc khống chế theo kiểu vụ ngày 11.9 ở Mỹ, sau khi có tin một nhóm người Malaysia đã lên kế hoạch tấn công một máy bay dân sự. Cụ thể, vào tuần trước, Saajid Badat, một phần tử al-Qaeda, đã khai trước tòa ở New York (Mỹ) rằng có 4 - 5 người đàn ông Malaysia từng lập mưu khống chế một máy bay chở khách bằng cách dùng bom giày để mở cửa buồng lái. Badat thừa nhận từng huấn luyện khủng bố ở Afghanistan và đưa bom giày cho những người Malaysia đó. Nếu suy đoán này đúng, theo The Telegraph, một mục tiêu mà kẻ tấn công có thể hướng máy bay đâm vào chính là tòa tháp đôi Petronas ở Kuala Lumpur, một biểu tượng của Malaysia. Giáo sư Anthony Glees tại Đại học Buckingham (Anh) cũng cho rằng giả thuyết đó có thể lý giải một phần cho việc giới chức Malaysia chưa “công bố toàn bộ sự thật” vụ máy bay mất tích.

Cũng trong hôm qua, tờ Daily Express dẫn lời một chuyên gia tình báo Anh đặt nghi vấn máy bay có thể đã bị “cướp bởi một nhóm tin tặc” dùng điện thoại di động điều khiển từ xa.

Mò kim đáy bể

Lực lượng các nước đã tiến hành chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ ở Ấn Độ Dương nhưng giới chuyên gia cho rằng khu vực đó quá rộng nên việc tìm kiếm sẽ khó hơn nhiều so với ở biển Đông. Ngày 16.3, trên chuyến bay tìm kiếm phi cơ mất tích ở biển Andaman, đội tìm kiếm của đại úy không quân Malaysia Fareq Hassan đã phải chống chọi tình trạng chuyển động dữ dội của máy bay, buồn nôn và căng thẳng. Những biểu hiện đó, theo AFP, dường như cho thấy việc tìm kiếm máy bay mất tích ở khu vực mới là “sứ mệnh bất khả thi”. Chính ông Fareq cũng thốt lên: “Đây chỉ là mò kim đáy biển”. Theo AFP, Ấn Độ hôm qua đã tuyên bố ngưng tìm kiếm đến khi có lệnh mới. Tại cuộc họp báo chiều qua, Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Bộ trưởng Giao thông Malaysia Hishammuddin Hussein cho biết số quốc gia tham gia vào nỗ lực tìm kiếm đã tăng lên đến 25. Các nhà điều tra hiện tập trung thu thập dữ liệu ra đa từ bất kỳ quốc gia nào mà chiếc Boeing 777-200 có thể đã bay qua.

Trong khi đó, nhiều thân nhân của hành khách đi chuyến bay mất tích lại có những phản ứng khác nhau. Có người vẫn tỏ ra hy vọng người thân của họ còn sống sau khi Thủ tướng Najib khẳng định máy bay mất tích là do “chủ ý của ai đó”. Có người lại thất vọng, nổi giận vì đã hơn một tuần mà họ không có thông tin gì về số phận của người thân.

Văn Khoa

>> Chiếc máy bay Malaysia mất tích có thể đã hạ cánh an toàn
>> Máy bay Malaysia mất tích: Có khả năng cơ trưởng khống chế máy bay
>> Máy bay Malaysia mất tích có thể bị cướp như kịch bản khủng bố 11.9
>> Máy bay Malaysia mất tích: Cảnh sát thu giữ 2 túi đồ từ nhà cơ phó
>> Vụ máy bay Malaysia mất tích vạch trần sự kém cỏi của phòng không Đông Nam Á
>> Hai phi công lái máy bay Malaysia mất tích: Họ là ai?
>> Dừng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích: Yêu cầu các lực lượng nước ngoài rút khỏi Việt Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.