Mật vụ Mỹ trong cơn khủng hoảng

06/12/2015 10:47 GMT+7

Mật vụ Mỹ tiếp tục chìm sâu trong tai tiếng sau khi báo cáo mới được công bố phơi bày hàng loạt vụ sai sót an ninh “chết người” của lực lượng này.

Mật vụ Mỹ tiếp tục chìm sâu trong tai tiếng sau khi báo cáo mới được công bố phơi bày hàng loạt vụ sai sót an ninh “chết người” của lực lượng này.

Lực lượng mật vụ tháp tùng ông Obama (bìa trái) trong một chuyến công du - Ảnh: AFPLực lượng mật vụ tháp tùng ông Obama (bìa trái) trong một chuyến công du - Ảnh: AFP
Tờ The Washington Post dẫn một báo cáo được công bố ngày 3.12 cho biết Cơ quan Mật vụ Mỹ đã để xảy ra ít nhất 143 vụ sơ suất an ninh trong vòng 10 năm qua. Báo cáo dài 438 trang do Ủy ban Giám sát và cải cách chính phủ của Hạ viện Mỹ thực hiện sau thời gian dài điều tra Cơ quan Mật vụ, vốn chịu trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho Tổng thống Mỹ và các yếu nhân khác của chính giới Mỹ.
Sai sót có hệ thống
Cuộc điều tra của ủy ban trên hé lộ một loạt sai lầm an ninh chưa từng được công bố của mật vụ Mỹ, bao gồm nhiều vụ xảy ra gần cuối năm ngoái, ngay thời điểm lực lượng này bị chỉ trích dữ dội do những sơ hở của mình. Sự cố mất mặt nhất xảy ra tại bữa tiệc trao giải do nhóm đại diện các thành viên Mỹ gốc Phi của quốc hội tổ chức tại Washington ngày 27.9.2014. Lúc này, một người đàn ông giả làm nghị sĩ quốc hội đã qua mặt các nhân viên mật vụ để vào trong hậu trường bắt chuyện với Tổng thống Mỹ Barack Obama, theo tờ The Washington Post dẫn báo cáo.
Chỉ vài ngày trước đó, một người đàn ông mang theo dao đã nhảy qua hàng rào chạy vào phòng khách của Nhà Trắng. Cũng trong giai đoạn này, một nhân viên bảo vệ có vũ trang với tiền án hình sự được phép vào thang máy với Tổng thống Obama lúc ông đến thăm Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh ở TP.Atlanta.
Điều lính đi bảo vệ bạn gái
Trong thời gian giữ chức giám đốc, ông Mark Sullivan bị tố đã lạm quyền khi điều động nhân viên đến bảo vệ nữ trợ lý của mình, người được cho là “một người bạn nữ thân thiết” của ông. Theo Đài Fox News, ông Sullivan hồi tháng 7.2011 đã ra lệnh rút các mật vụ đang gác tại Nhà Trắng để đến bảo vệ quanh nhà bà Lisa Chopey ở TP.La Plata thuộc bang Maryland trong ít nhất 2 tháng khi bà tranh chấp với láng giềng. Thậm chí, “theo yêu cầu của bà Chopey, Cơ quan Mật vụ đã mở chiến dịch theo dõi nhằm vào người hàng xóm tên Mike Mullligan”, theo trang tin Liberty News Now.
Trong số các tắc trách về an ninh liệt kê trong báo cáo còn có sự cố hồi tháng 10 năm ngoái - chỉ một ngày sau khi bà Julia Pierson từ chức giám đốc mật vụ, một phụ nữ đã vào được tận hậu trường tại buổi tiệc của Viện Caucus Hispanic thuộc quốc hội, vốn có sự tham gia của ông Obama. Bảy ngày sau, một người đàn ông thong thả đi vào một khách sạn ở TP.Los Angeles, nơi Tổng thống Obama và cố vấn thân cận Valerie Jarrett đang trú ngụ mà không bị khám xét hay tra hỏi.
Các vụ sơ suất an ninh chưa từng được công bố còn ảnh hưởng đến các yếu nhân khác. Hồi tháng 4.2013, bốn người dân đã đi câu cá trên hồ ở sân sau dinh thự của Phó tổng thống Joe Biden tại bang Delaware mà không bị phát hiện cho đến khi hàng xóm báo cho mật vụ biết.
Mùa xuân năm ngoái, một công dân CH Czech quá hạn visa đã xâm nhập vào nhà cựu Tổng thống George H.W.Bush và ở đó suốt một giờ đồng hồ mà không bị phát hiện… Giới chức điều tra đã gọi các sai phạm trên là “sai sót có hệ thống”, theo Hãng AP.
Báo cáo láo
Báo cáo còn nói rằng giới chức mật vụ đã cố tình che giấu hoặc cung cấp nhiều thông tin thiếu chính xác cho quốc hội. Cụ thể, Giám đốc đương nhiệm Joseph P.Clancy đã báo cáo sai lệch về vụ sai phạm liên quan tới người đàn ông trong sự cố thang máy tại Atlanta. Người này khai không hề thấy bất cứ nhân viên mật vụ nào khác ở gần tổng thống, song ông Clancy khẳng định có nhiều nhân viên an ninh trực chốt tại khu vực trên.
Cũng theo ủy ban, mật vụ Mỹ đã không sớm mở cuộc điều tra nội bộ liên quan tới sơ suất của nhân viên hồi năm 2011, khi phải mất tới 4 ngày mới phát hiện có kẻ nã đạn vào gần phòng sinh hoạt của gia đình tổng thống trong thời điểm một cô con gái của ông Obama đang ở bên trong. Thay vào đó, cơ quan này chỉ mở cuộc điều tra vào tháng 10.2014, sau khi tờ The Washington Post cho đăng bài phản ánh vụ việc.
Mật vụ Mỹ trong cơn khủng hoảng 2Một người đàn ông leo rào vào Nhà Trắng hồi tháng 11-  Ảnh: Daily Mail
Các nhà điều tra của Hạ viện cũng chỉ trích lời khai của cựu Giám đốc Mark Sullivan sau vụ bê bối hồi tháng 4.2012, khi 13 nhân viên đưa gái gọi về khách sạn trước chuyến công du của Tổng thống Mỹ đến Colombia. Trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh nội địa của Thượng viện khoảng một tháng sau đó, ông Sullivan đã lên tiếng trấn an các nghị sĩ rằng việc làm của những người trên chỉ là thiểu số, không phản ánh văn hóa và đạo đức của số đông nhân viên mật vụ. Tuy vậy, cuộc điều tra phát hiện rằng nhiều nhân viên mật vụ thừa nhận họ từng hành động tương tự tại các nơi khác, bao gồm các phi vụ “vui vẻ” tại Ý, Nga, Ireland và TP.New York.
Báo cáo trích dẫn một số cuộc trao đổi email giữa một số nhân viên mật vụ liên quan tới việc tìm gái mại dâm để chứng minh rằng đó là những hành vi “thường ngày ở huyện” trong Cơ quan Mật vụ Mỹ. Theo báo cáo, trước chuyến đi Colombia, một quan chức mật vụ đã gửi email cho 54 nhân viên đề cập đến chuyện uống bia trong khi hai nhân viên khác trao đổi thư dặn dò mang theo tiền để “vui vẻ” với gái gọi. Báo cáo nói rằng việc công khai trao đổi thông tin “nhạy cảm” trên còn cho thấy các nhân viên mật vụ “không tin hành vi của họ sẽ bị trừng phạt”...
Theo sau hàng loạt vụ bê bối và sai sót về an ninh kể trên, các nhà điều tra thừa nhận Cơ quan Mật vụ đang trong giai đoạn “khủng hoảng”, mặc dù có nhiều nỗ lực cải tổ gần đây. Nguyên nhân khủng hoảng được nêu ra là do cắt giảm ngân sách, quản lý và năng lực yếu kém, trong đó có tình trạng đạo đức xuống cấp của nhiều nhân viên. Giới chức điều tra nhấn mạnh Tổng thống Obama và bất cứ chủ nhân tương lai của Nhà Trắng đều sẽ phải đối mặt với mối nguy hiểm lớn nếu các vấn đề nổi cộm nêu trên trong Cơ quan Mật vụ không sớm được giải quyết.
Lịch sử mật vụ Mỹ
Cơ quan Mật vụ Mỹ được thành lập vào năm 1865, thuộc biên chế Bộ Tài chính với nhiệm vụ là điều tra các hoạt động in ấn, lưu hành tiền giả đang phổ biến thời đó.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên là Tổng thống Abraham Lincoln đã ra lệnh lập cơ quan này vào ngày 14.4.1865 thì ngay trong tối hôm đó, ông bị ám sát và qua đời vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, phải đến sau vụ ám sát Tổng thống William McKinley năm 1901, quốc hội Mỹ mới quyết định giao thêm nhiệm vụ bảo vệ tổng thống cho mật vụ.
Vụ khủng bố 11.9.2001 đã mở ra một bước ngoặt mới cho mật vụ khi cơ quan này được chuyển sang Bộ An ninh nội địa vào tháng 3.2003, sau hơn một thế kỷ làm việc dưới trướng Bộ Tài chính.
Ban đầu, Cơ quan Mật vụ chỉ có nhiệm vụ bảo vệ tổng thống và gia đình. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều thay đổi đã được tiến hành cho phù hợp với xu thế mới. Sau vụ ám sát ứng viên Tổng thống Robert Kennedy năm 1968, quốc hội Mỹ đã quyết định mở rộng phạm vi hoạt động của cơ quan này. Theo đó, mật vụ sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ cả các ứng viên tổng thống, phó tổng thống cùng vợ hoặc chồng của họ trong vòng 120 ngày trước bầu cử. Các tổng thống tân cử và phó tổng thống tân cử cùng gia đình cũng đều được mật vụ bảo vệ. Ngoài ra, các cựu tổng thống và phu nhân của họ sẽ được bảo vệ trọn đời (trừ khi vợ hoặc chồng của tổng thống tái hôn). Con cái của các cựu tổng thống được bảo đảm an ninh đến năm 16 tuổi. Tất cả các cá nhân nêu trên đều có quyền từ chối sự bảo vệ từ mật vụ, ngoại trừ tổng thống, phó tổng thống, tổng thống tân cử và phó tổng thống tân cử.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.