Mặt trăng bí mật thao túng giấc ngủ con người

02/05/2021 11:30 GMT+7

Báo cáo mới phát hiện mặt trăng tròn có thể âm thầm tác động chất lượng giấc ngủ của con người, mà bản thân chúng ta cho đến nay vẫn không hề nhận ra.

Trong thời hiện đại, rất nhiều báo cáo tập trung nghiên cứu ảnh hưởng của những nguồn ánh sáng nhân tạo đối với chất lượng giấc ngủ, theo đó cho rằng người thời nay ngủ ít đi vì ánh sáng từ máy tính, ti vi, điện thoại di động...
Thế nhưng, liệu có gì bất thường khi con người dùng đèn điện thắp sáng vào ban đêm? Suy cho cùng, xuyên suốt dòng lịch sử nhân loại luôn trải qua nhiều mức độ ánh sáng khác nhau khi màn đêm buông xuống. Đó chính là nguồn sáng từ mặt trăng. Dù khuyết hay tròn, mặt trăng tỏa ra một lượng ánh sáng nhất định, mà đối với mắt người thì đủ sáng để tác động giấc ngủ của họ.
“Trong trường hợp không có những nguồn ánh sáng khác, ánh sáng từ mặt trăng hoàn toàn có thể gây ảnh hưởng hoạt động về đêm của con người, đặc biệt là giấc ngủ”, theo đội ngũ chuyên gia do nhà khoa học thần kinh - Giáo sư Horacio de la Iglesia của Đại học Washington (Mỹ) dẫn đầu.
Lâu nay, tác động của mặt trăng đối với giấc ngủ con người luôn là đề tài gây tranh cãi trong giới khoa học. Để giải mã bí mật này, nhóm của ông Iglesia đã lắp thiết bị theo dõi giấc ngủ đối với hơn 500 người tham gia tại nhiều địa điểm khác nhau.
Trong số đó, một nhóm 98 người là thành viên của cộng đồng thổ dân oba-Qom ở miền nông thôn của Argentina. Một số người sinh sống tại những khu vực không có điện.
Tại một nơi khác, các nhà nghiên cứu theo dõi giấc ngủ của 464 sinh viên đại học ở thành phố hiện đại như Seattle (bang Washington, Mỹ).
Sau một tháng, đội ngũ chuyên gia phát hiện những người tham gia đều có một mô hình giấc ngủ giống nhau, bất chấp vị trí địa lý của họ, theo báo cáo trên chuyên san Science Advances.
Kết quả cho thấy, thậm chí ở thành phố, nơi ánh sáng của mặt trăng hoàn toàn bị lấn át bởi những nguồn ánh sáng nhân tạo của đời sống đô thị, giấc ngủ con người vẫn bị ảnh hưởng bởi các giai đoạn của mặt trăng. Cụ thể, vào những đêm trước thời điểm trăng tròn, con người đi ngủ trễ hơn và vì thế thời gian ngủ trong đêm bị rút ngắn.
“Các kết quả thu được từ cuộc nghiên cứu cho thấy giấc ngủ của con người được đồng bộ hóa với chu kỳ mặt trăng, dù họ sống ở đâu”, theo báo cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.