Mặt trận quốc tế đấu tranh chống 'đường lưỡi bò' phi pháp của Trung Quốc

Ngọc Mai
Ngọc Mai
24/07/2019 15:00 GMT+7

Giáo sư Alexander Vuving cho rằng các nước cần tạo thành một mặt trận quốc tế đấu tranh chống yêu sách phi lý và hành động hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Liên quan đến những diễn biến gần đây trên Biển Đông, Thanh Niên  đã có cuộc phỏng vấn với Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ):
Giáo sư đánh giá thế nào về những hành động gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông? Mức độ nghiêm trọng của vấn đề và những tác động tới cục diện hiện nay cũng như lâu dài tại khu vực?
Xét về mức độ xâm phạm chủ quyền đối với Việt Nam thì hành động của Trung Quốc lần này là hết sức nghiêm trọng, so với các hành động xâm phạm khác của Trung Quốc đối với Việt Nam trong vòng 40 năm trở lại đây, kể từ khi Trung Quốc cưỡng chiếm các bãi đá ở quần đảo Trường Sa năm 1988, thì sự kiện lần này chỉ kém hành động xây đảo nhân tạo trong thời gian 2013-2016 và sự kiện giàn khoan HD-981 năm 2014.
Lần này Trung Quốc đưa một tàu khảo sát địa chất cỡ lớn là Hải Dương Địa Chất 8 vào khảo sát dầu khí tại một khu vực rộng bằng toàn bộ Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam và nằm trọn trong thềm lục địa và EEZ của Việt Nam. Điểm đáng chú ý nữa là khu vực này nằm ngoài vùng nước của quần đảo Trường Sa nên không thể coi là khu vực chồng lấn theo yêu sách của Trung Quốc được. Chỉ có điều, nó nằm bên trong “đường lưỡi bò” – yêu sách chủ quyền phi lý và ngang ngược của Trung Quốc, không theo một tiêu chuẩn luật pháp quốc tế nào.
Nhiều chuyên gia luật quốc tế nhất trí rằng nếu Việt Nam khởi kiện hành động này của Trung Quốc lên Tòa trọng tài thì khả năng thắng kiện của Việt Nam là gần như chắc chắn 100% vì phán quyết năm 2016 của Tòa đã bác bỏ đường lưỡi bò của Trung Quốc, đồng thời không công nhận quần đảo Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế, do đó khu vực mà Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 vào khảo sát không bị chồng lấn mà nằm trọn trong vùng thềm lục địa và EEZ của VN. Điều này có nghĩa chỉ Việt Nam mới có quyền khai thác tài nguyên khoáng sản.
Sự kiện này diễn ra trong lúc các nước ASEAN và Trung Quốc đang nêu quyết tâm kết thúc quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Chắc chắn hành động này của Trung Quốc sẽ cản trở quá trình đàm phán.
Cũng giống như sự kiện giàn khoan HD-981 trước đây, sự kiện này một lần nữa nhắc nhở các nước về mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Các nước bị ảnh hưởng cần có những bước đi mạnh mẽ hơn để đối phó với nguy cơ này. Nếu ASEAN tiếp tục không có tiếng nói về sự kiện này, các nước bị ảnh hưởng có thể sẽ đi tìm một diễn đàn khác để bàn thảo vấn đề Biển Đông.
Trong tình hình hiện nay, Việt Nam nên lưu ý điều gì và các nước khác trong cộng đồng quốc tế có thể ủng hộ như thế nào?
Trước hết Việt Nam cần giữ vững trên thực địa, không lùi bước trước sự xâm lấn chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, Việt Nam rất cần huy động sự ủng hộ của thế giới. Các nước bên ngoài đã có Mỹ lên tiếng ủng hộ Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc từ bỏ hành vi bắt nạt. Nhưng để các nước khác thực sự ra tay hỗ trợ thì Việt Nam cũng cần tích cực và chủ động vận động các nước có chung lợi ích và quan điểm, đặc biệt là Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Canada và các nước khác coi trọng luật pháp quốc tế. Khi đó, tất cả cùng tạo thành một mặt trận quốc tế đấu tranh chống yêu sách phi lý và hành động hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Nếu không hình thành được mặt trận quốc tế như vậy thì không thể răn đe Trung Quốc được. Các nước và Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hợp tác trên thực địa, giúp Việt Nam nâng cao năng lực bảo vệ chủ quyền và an ninh trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Các nước hoàn toàn có thể gửi tàu cảnh sát biển của mình tới giúp Việt Nam tuần tra trên EEZ của VN (tàu cắm cờ Việt Nam, có đại diện Việt Nam trên tàu, tương tự chương trình “ship rider” mà các nước đang hỗ trợ một số đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương tuần tra bảo vệ vùng EEZ rộng lớn của họ). Chính Trung Quốc cũng từng tham gia chương trình “ship rider” như vậy với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga ở khu vực Bắc Thái Bình Dương.
Diễn đàn ASEAN là kênh đa phương ưu tiên để đối thoại quốc tế về vấn đề Biển Đông. Đây cũng là diễn đàn để đối thoại với Trung Quốc. Nhưng Trung Quốc không muốn đối thoại đa phương mà tìm mọi cách để khiến diễn đàn này trở nên yếu ớt, vô tác dụng. Nếu vậy, các nước bị ảnh hưởng cần xem xét triển khai thêm diễn đàn đa phương khác để bàn thảo và hợp tác nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình một cách hữu hiệu hơn.
Như ông từng chia sẻ âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là nhất quán, vậy ông dự đoán thế nào về những bước đi tiếp theo của Trung Quốc?
Trung Quốc sẽ tiếp tục cản trở hoạt động khai thác tài nguyên (dầu khí, đánh cá) của các nước ven bờ (Việt Nam, Malaysia, Philippines) để thực thi yêu sách phi pháp “đường lưỡi bò” trên thực tế. Họ sẽ tiếp tục khống chế không gian biển, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của nước khác thông qua các hoạt động như đơn phương thăm dò dầu khí, diễn tập quân sự, bắn tên lửa, cấm đánh bắt cá, gây hấn với tàu cá và tàu chấp pháp của các nước khác. Nếu các nước bị ảnh hưởng không có động thái mạnh để thực sự răn đe, Trung Quốc sẽ có ngày đưa thiết bị vào khai thác ngay trong thềm lục địa của nước khác.
Trước mắt, Trung Quốc sẽ gây sức ép để các nước ASEAN thông qua COC trong đó không cho phép các nước ven bờ hợp tác với các nước bên ngoài cùng khai thác tài nguyên hay diễn tập quân sự.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.