Malaysia tuyên chiến với băng nhóm học đường

29/04/2017 08:48 GMT+7

Bộ Nội vụ Malaysia tuyên bố sẽ phối hợp cảnh sát mạnh tay với những băng nhóm học sinh hoành hành trong các trường học.

Thông báo trên được đưa ra sau khi cảnh sát bắt giữ hàng chục học sinh trung học tham gia vụ gây rối trật tự xã hội ở bang Selangor hôm 20.4. Trong các đoạn video tung lên mạng xã hội, nhóm thanh niên bao gồm các học sinh vẫn còn mặc đồng phục tụ tập đốt pháo, nẹt pô xe máy inh ỏi và cắt bánh kem hình dạng số 24 cùng biểu tượng Đức Quốc xã, ăn mừng ngày thành lập “Nhóm 24” khét tiếng ở Malaysia.
Đe dọa, trấn lột
Ngay sau khi hai đoạn video được phát tán trên mạng, cảnh sát bang Selangor đã thành lập đơn vị chuyên điều tra hoạt động băng nhóm lộng hành trong Trường SMK Sri Andalas, thành phố Klang. Hiện cảnh sát tăng cường tuần tra trước ngôi trường này.
Ông Fadzil Ahmat, lãnh đạo cơ quan điều tra hình sự của bang Selangor (Malaysia), cho hay ngoài các học sinh kể trên, cảnh sát còn bắt giữ 5 thanh niên là thợ cơ khí và nhân viên bảo vệ. “Chúng tôi tạm giam những thanh niên độ tuổi 16 - 25 để điều tra”, ông Fadzil nói. Điều đáng chú ý là “Nhóm 24” những năm trước đây từng tổ chức kỷ niệm ngày thành lập nhưng cảnh sát vẫn không có động thái gì.
“Các băng nhóm học sinh cùng đối tượng bên ngoài trấn lột học sinh vào giờ tan trường. Mọi người cố gắng tránh xa những người này nhưng vẫn bị chúng bắt nạt và buộc phải đóng tiền bảo kê. Nếu ai không chịu đóng thì sẽ bị hành hung”, học sinh tên Nadia cho hay. Một người bán hàng rong gần Trường SMK Sri Andalas nói ông thường xuyên chứng kiến các băng nhóm quậy phá và đánh nhau. Trong khi đó, cảnh sát tình nghi hành động côn đồ của những học sinh và thanh niên này chỉ nhằm thể hiện “sự trung thành” với “Nhóm 24” và thu hút thêm nhiều người khác gia nhập.
Cảnh sát đóng chốt bên ngoài Trường SMK Sri Andalas Ảnh: Chụp màn hình
Chính phủ vào cuộc
Chính quyền Malaysia trong những năm gần đây đã nỗ lực nhưng không thể quét sạch nạn băng nhóm hoành hành chốn học đường. Cựu thành viên một băng nhóm học sinh cho The Star cho biết nạn tống tiền, đòi các bạn cùng lớp nộp tiền bảo kê diễn ra hằng ngày, thậm chí có cả hiện tượng bán ma túy và chất kích thích trong trường.
Vụ việc liên quan đến “Nhóm 24” tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động mới trong ngành giáo dục Malaysia. Trợ lý giám đốc cảnh sát liên bang, ông Rohaimi Md Isa, cho hay giới trẻ bị dụ dỗ tham gia băng nhóm tội phạm như “Nhóm 24” đa số xuất thân từ gia đình nghèo. “Trong những cộng đồng thu nhập thấp, thanh thiếu niên có thể cảm thấy cuộc sống quá khó khăn. Bọn tội phạm lợi dụng điều này, mua những thứ các em cần để lôi kéo vào nhóm”.
Ông Rohaimi cảnh báo các băng nhóm ngày càng trẻ hóa và nguy hiểm hơn. Hồi đầu năm 2017, cảnh sát đã bắt giữ 28 “thành viên cấp cao” của “Nhóm 24”, đa số trong độ tuổi 20. Ông Rohaimi cho biết thêm phòng chống nạn băng nhóm học đường cần phải có sự chung tay góp sức của toàn thể xã hội.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Malaysa Nur Jazlan Mohamed tuyên bố Bộ Giáo dục và Bộ Nội vụ cùng cảnh sát sẽ phối hợp xử lý nghiêm học sinh lập bè kết phái với sự tiếp tay của băng đảng tội phạm bên ngoài. “Các đối tượng tội phạm lợi dụng băng nhóm học sinh bán ma túy, tống tiền và thực hiện những hoạt động phi pháp khác. Học sinh không lường trước hậu quả bởi vì khi bị bắt, chỉ có chúng phải đối mặt với pháp luật, chứ không phải những kẻ cầm đầu băng đảng”, ông Mohamed nói.
Thứ trưởng Nur Jazlan lưu ý cảnh sát sẽ mạnh tay với băng đảng tội phạm trong và ngoài trường học, đồng thời kêu gọi ban giám hiệu nhà trường nên tăng cường báo cáo và phối hợp với cảnh sát. “Chẳng hạn, Cơ quan Bài trừ ma túy quốc gia bình thường chỉ có thể kiểm tra ma túy học sinh nếu nhận được yêu cầu của nhà trường. Chúng tôi muốn các lãnh đạo nhà trường tiếp tục hợp tác nhằm ngăn chặn nạn học sinh lập băng nhóm”, Thứ trưởng Nur Jazlan cho biết thêm.
Trong một bài bình luận ngày 28.4, Tổng biên tập tờ The Star Dorairaj Nadason nhận xét đa số giáo viên thờ ơ trước các băng nhóm học đường vì lo sợ bị những người ở bên ngoài trả thù. Tuy nhiên, ông Nadason cho rằng thực trạng này cũng xuất phát từ hệ thống giáo dục bỏ bê những học sinh yếu kém, cá biệt. Trong nhiều trường hợp, các giáo viên thường chỉ chú trọng đào tạo các học sinh điểm cao để “làm đẹp” thành tích của mình. Còn các học sinh yếu kém thường bị dồn vào một lớp và dễ dàng trở thành mục tiêu của các băng nhóm tội phạm. Chính vì vậy, theo ông Nadason, giải pháp triệt để cho việc xử lý nạn băng nhóm học đường cần phải bao gồm cả việc cải tổ hệ thống giáo dục bỏ bê các học sinh yếu kém.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.