Malaysia sắp 'khai tử' quỹ đầu tư nhà nước tai tiếng 1MDB

07/01/2017 18:04 GMT+7

Chính phủ Malaysia đang dàn xếp việc đóng cửa quỹ đầu tư 1MDB vốn thua lỗ nặng, gây sóng gió lên sự nghiệp chính trị của Thủ tướng Najib Razak.

Báo The Straits Times ngày 7.1 dẫn lời các quan chức Malaysia không muốn nêu tên cho hay việc chuyển giao các tài sản quỹ này đang quản lý sẽ được tiến hành trong vài tháng tới.
Các tài sản “có giá trị” được đề cập là 3 lô đất to gồm 2 lô ở ngoại ô thủ đô Kuala Lumpur và 1 lô nằm trên hòn đảo phía tây Malaysia thuộc bang Penang.
Đơn vị tiếp nhận là hai công ty Primid Pertama và Aroma Teraju của Bộ Tài chính mà Thủ tướng Najib Razak kiêm luôn chức bộ trưởng. Thông tin về hoạt động và bộ sậu lãnh đạo của các công ty này rất mù mờ.
Núi nợ
Quỹ đầu tư nhà nước 1MDB do Thủ tướng Najib Razak thành lập năm 2009 ngay sau khi nhậm chức, với mục tiêu phát triển hạ tầng quốc gia bằng vốn vay từ phát hành trái phiếu nhà nước.
Sau 5 năm tồn tại, 1MDB có dư nợ hơn 12 tỉ USD, trong khi các tài sản của nó, như nhà máy điện ở nước ngoài, bị cáo buộc là được mua với giá cao hơn giá trị thật, không sinh lợi và gây thua lỗ.
Thủ tướng Najib với vai trò chủ tịch hội đồng cố vấn 1MDB và những người thân cận bị chỉ trích biển thủ tiền từ quỹ này, gây bất bình trong công chúng.
Đỉnh điểm của sự bất bình nổ ra hồi tháng 7.2015 khi tờ The Wall Street Journal, dẫn nguồn tin từ cơ quan điều tra Malaysia, cho hay tài khoản cá nhân của ông Najib đã nhận 5 khoản tiền mờ ám liên quan quỹ 1MDB, tổng cộng gần 700 triệu USD.
Ông Najib thừa nhận số tiền này do một nhà hảo tâm Trung Đông tài trợ cho mục đích chính trị, không liên quan 1MDB, và phủ nhận mọi sai phạm.
Tháng 7.2016, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tòa án nước này tiến hành tịch biên các tài sản trị giá hơn 1 tỉ USD do những người thân tín của ông Najib biển thủ từ quỹ 1MDB và chuyển vào Mỹ. Ông Najib cũng được đề cập trong hồ sơ Bộ Tư pháp Mỹ với mật danh “Quan chức số 1 Malaysia”.
Làn sóng biểu tình đòi ông Najib từ chức kéo dài từ năm 2015 sang năm 2016.
Hồi tháng 11.2015, 1MDB đã bán một loạt nhà máy điện cho một công ty Trung Quốc với giá 17 tỉ ringgit (hơn 4 tỉ USD).
Thứ trưởng Bộ Tài chính Malaysia, Johari Abdul Ghani, người đứng đầu ủy ban Budiman được thành lập hồi tháng 4.2016 để tạm thời quản lý 1MDB sau khi ban lãnh đạo quỹ đồng loạt từ chức, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với The Straits Times cho biết số tiền bán các nhà máy điện đã được dùng để trả nợ các ngân hàng. Dù vậy, hiện nay nợ của 1MDB vẫn còn “chất đống”, ước tính chừng 4,78 tỉ USD.
“Việc giải quyết các khoản nợ này sẽ do chính phủ đảm nhận riêng”, một quan chức chính phủ cho hay.
Biểu tình đòi Thủ tướng Najib Razak từ chức hồi tháng 11.2016 Reuters
“Hạ cánh an toàn” không dễ
Hiện nay, trong khi nhiều quốc gia khác như Thụy Sĩ, Singapore... cũng đang điều tra và tiến hành khởi tố nhiều cá nhân liên quan đến 1MDB, vị thế của Thủ tướng Najib đã được củng cố. “Trên phương diện chính trị cả trong nước lẫn quốc tế, 1MDB giờ không còn là vấn đề nữa”, chuyên gia Oh Ei Sun tại Trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS, Singapore), từng là thư ký chính trị của ông Najib trong giai đoạn 2009 – 2011, nói với Thanh Niên.
Ông Najib dự kiến sẽ tổ chức tổng tuyển cử sớm trong năm 2017, thay vì chờ đến hạn 2018, với triển vọng tái đắc cử khá cao, theo các nhà quan sát.
Tuy nhiên việc đóng cửa 1MDB, theo cách chuyên gia ngân hàng và những quan chức trực tiếp tham gia, không phải dễ dàng.
Trước mắt, “để có được sự đồng thuận cho việc khai tử 1MDB, chính phủ Malaysia phải bảo đảm với các chủ nợ và nhà đầu tư trái phiếu rằng các khoản nợ sẽ được trả hết ngay khi quỹ đầu tư này, với tư cách một công ty, chính thức đóng cửa”.
Chưa hết, 1MDB cũng đang vướng trong vụ tranh cãi với 2 quỹ đầu tư nhà nước Abu Dhabi là IPIC và Aabar Investment PJS. Hai đơn vị này đòi chính phủ Malaysia phải bảo đảm chi trả 6,48 tỉ USD mà họ đã đứng ra bảo lãnh cho 1MDB vay trực tiếp hoặc phát hành trái phiếu.
“Hồ sơ nợ của 1MDB rất phức tạp. Một số khoản nợ đi kèm với các điều khoản bảo lãnh đầy đủ, một số khác chỉ có mấy bức thư ủng hộ hay vuốt ve”, một luật sư có liên quan cho biết.
Các khoản nợ hiện còn của 1MDB:
- 1,12 tỉ USD trái phiếu thuộc hệ thống tài chính Hồi giáo (sukuk), đến hạn là năm 2039
- 179 triệu USD vay quỹ an ninh xã hội của công nhân (SOCSO), hạn trả là năm 2022
- 536 triệu USD trái phiếu sukuk Bandar Malaysia
- 3 tỉ USD trái phiếu quốc tế, đến hạn là năm 2023
- 6,48 tỉ USD tiền bảo lãnh (có bất đồng) của chính phủ Abu Dhabi
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.