Ma trận hầm ngầm dưới Điện Capitol

19/01/2021 19:00 GMT+7

Bên dưới Điện Capitol là một mạng lưới đường hầm giúp kết nối với các tòa nhà văn phòng xung quanh cũng như những cơ sở bí mật để quốc hội Mỹ duy trì hoạt động lúc xảy ra sự biến.

Ngày 6.1, trong lúc quốc hội Mỹ đang kiểm phiếu đại cử tri bầu cho tổng thống, đám đông biểu tình đã ồ ạt xông vào Điện Capitol làm loạn nhằm gây cản trở. Sự cố an ninh khiến nhiều nghị sĩ và nhân viên quốc hội phải sơ tán khẩn cấp thông qua những lối đi, đường tàu điện ngầm bên dưới Điện Capitol.
Theo trang The Drive, hệ thống đường hầm bên dưới Điện Capitol được xây dựng từ nửa sau của thế kỷ 19 với mục đích thông gió và sau đó là để chuyển sách từ Thư viện Quốc hội đến Điện Capitol. Sau này, các lối đi và đường tàu điện được đào thêm giữa Điện Capitol và các tòa nhà văn phòng kế bên của quốc hội nhằm giúp các nghị sĩ di chuyển an toàn và tiện lợi.

Các nghị sĩ quốc hội nấp sau những hàng ghế trong lúc người biểu tình xông vào tòa nhà hôm 6.1.2021

AFP

Hệ thống tàu điện cả trăm tuổi

Theo Cơ quan Quản lý kiến trúc Capitol (AOC), có tổng cộng 3 tuyến tàu điện ngầm bên dưới Điện Capitol, trong đó 2 tuyến nằm ở phía Thượng viện ở hướng bắc và tuyến còn lại ở phía Hạ viện ở hướng nam.
Đường ngầm đầu tiên được xây dựng vào năm 1909, nối Điện Capitol với tòa nhà văn phòng Russell của Thượng viện, cách nhau chỉ khoảng 300 m. Ban đầu, đây chỉ là tuyến đường ngầm sử dụng loại xe điện của công ty Studebaker và đến năm 1912 mới lắp hệ thống tàu điện một đường ray (monorail) để thay thế.

Xe điện bên dưới đường hầm từ tòa nhà Russell đến Điện Capitol năm 1909

AOC

Hệ thống tàu điện ngầm tại Capitol được mô tả là tuyến đường sắt ngắn nhất và độc quyền nhất khi chỉ phục vụ cho nghị sĩ, nhân viên quốc hội hoặc khách mời. Du khách tham quan Điện Capitol cũng có thể có một chuyến trải nghiệm nhưng phải có nhân viên quản lý đi cùng.
Năm 1960, một đường tàu monorail nữa được lắp đặt để nối Điện Capitol với tòa nhà Russell, tòa nhà Dirksen và năm 1982 nối dài với tòa nhà Hart. Tuyến tàu này ban đầu sử dụng tàu điện có người lái nhưng đến năm 1993 thay bằng tàu tự động.

Tàu điện bên dưới Điện Capitol

Reuters

Ở phía đối diện, một đường tàu được xây dựng vào năm 1965 để nối với tòa nhà văn phòng Rayburn với Hạ viện. Các tòa nhà văn phòng còn lại của Hạ viện như Cannon và Longworth không có đường tàu điện nối với Điện Capitol mà chỉ có lối đi bộ ngầm.
Trước vụ bạo loạn hôm 6.1, cảnh sát đã phát thông báo hướng dẫn các nghị sĩ cách sử dụng hệ thống đường hầm bên dưới tòa nhà quốc hội và các tòa nhà xung quanh để tránh chạm mặt với người biểu tình. Khi người biểu tình bắt đầu xông vào Điện Capitol vào ngày 6.1, cảnh sát ngay lập tức thông báo cho các thành viên tại tòa nhà Cannon sơ tán qua đường hầm phía nam nối với tòa nhà Longworth.

Lối đi ngầm từ tòa nhà Cannon đến Điện Capitol

Ảnh chụp màn hình CNN

Phó tổng thống Mike Pence cùng một số nghị sĩ được hộ tống khỏi tòa nhà thông qua đường hầm bí mật. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Pete Aguilar kể lại: “Chúng tôi đi xuống hầm và đi qua các đường hầm, chẳng rõ họ muốn đưa chúng tôi đi đâu. Một vài người chạy vào một tiệm cà phê bị khóa cửa nhưng họ cho chúng tôi vào”.

Những đường hầm bí mật

Năm 1958, chính quyền Mỹ coi đường hầm giữa Điện Capitol và tòa nhà Russell là hầm trú bom hạt nhân. Sau vụ hai cảnh sát quốc hội bị một người mắc chứng tâm thần phân liệt bắn chết vào năm 1998, nhiều đường hầm bên dưới tòa nhà quốc hội và các toà nhà kế bên bị đóng cửa với người ngoài.
Vào thập niên 2000, dự án mở rộng khu tòa nhà quốc hội được tiến hành và một khu nhà có 3 tầng được đào bên dưới đồi Capitol, ngay phía đông tòa nhà quốc hội và có lối đi ngầm liên kết với các tòa nhà xung quanh, theo The Drive. Trong số các lối đi này có một đường hầm dài hơn 300 m chạy về hướng tây bắc.

Đường hầm cho xe chở rác được xây vào năm 2003

AOC

Bên ngoài, đường hầm này được cho là dùng cho xe chở rác nhưng sau khi hoàn tất, AOC gỡ bỏ toàn bộ những thông cáo báo chí và hình ảnh liên quan đến việc xây dựng con đường này. Hành động làm nảy sinh ý kiến cho rằng tuyến đường hầm này có chức năng bí mật, có thể là lối đi để sơ tán các yếu nhân khỏi Điện Capitol trong trường hợp có sự cố.
Sau khi rời khỏi Điện Capitol, các yếu nhân có thể được đưa đến căn cứ lục quân Fort McNair, cách đó khoảng 2 km về phía nam. Đây là một trong những địa điểm nằm trong kế hoạch duy trì hoạt động liên tục của chính phủ trong trường hợp khẩn cấp như chiến tranh hạt nhân. Nhiều địa điểm tương tự đã được thiết lập ở các khu vực lân cận như Trung tâm hoạt động khẩn cấp núi Weather ở bang Virginia hay Khu phức hợp núi Raven Rock ở miền nam bang Pennsylvania.

Điện Capitol và các tòa nhà văn phòng quốc hội xung quanh

AOC

Hầm ngầm dưới lòng Washington D.C

Tổng thống George W. Bush họp Hội đồng An ninh quốc gia bên dưới PEOC trong vụ khủng bố ngày 11.9.2001

Cục Văn thư quốc gia Mỹ

Các đường hầm tại Điện Capitol được cho không phải là đường hầm duy nhất kết nối các tòa nhà chính quyền Mỹ tại Washington D.C và vùng thủ đô quốc gia. Bên dưới Nhà Trắng được cho là có cả một ma trận đường hầm, trong đó có đường thường được dùng để di chuyển giữa Nhà Trắng và tòa nhà Eisenhower.

Bên cạnh đó, cũng có một con đường bí mật từ Nhà Trắng dẫn đến trụ sở Bộ Tài chính. Tuyến đường này được xây ngay sau vụ tấn công Trân Châu cảng năm 1941, giúp sơ tán tổng thống trong trường hợp thủ đô bị tấn công bất ngờ.

Bên dưới cánh đông của Nhà Trắng là Trung tâm hoạt động khẩn cấp tổng thống (PEOC), boong-ke được Tổng thống George W. Bush sử dụng sau vụ tấn công ngày 11.9.2001. Một boong-ke mới được xây dựng dưới thời Tổng thống Barack Obama. Lầu Năm Góc từng cân nhắc kế hoạch xây siêu boong-ke dưới lòng Washington D.C nối cơ quan này với Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.