Lựa chọn đối ngoại của ông Trump

12/12/2016 08:48 GMT+7

Đề cử của Tổng thống đắc cử Donald Trump cho các vị trí ngoại giao hàng đầu có thể hé lộ đường hướng đối ngoại sắp tới của Mỹ.

Sau nhiều tuần đồn đoán, báo giới Mỹ ngày 11.12 đồng loạt đưa tin Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ đề cử Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, ông Rex Tillerson giữ chức ngoại trưởng.
Cũng như đa số các đề cử trước đây của ông Trump, vị trí thuộc hàng quan trọng bậc nhất trong nội các một lần nữa gây tranh cãi trong chính trường Mỹ, vốn chia rẽ sâu sắc sau cuộc bầu cử đầy điều tiếng.
Hòa Nga
Theo tờ The New York Times, ông Tillerson, 64 tuổi, được xem là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông được chủ nhân Điện Kremlin trao Huân chương Hữu nghị năm 2013 và từng phản đối các lệnh trừng phạt Moscow vì vụ sáp nhập Crimea năm 2014, do làm đình trệ các dự án của Exxon ở Nga, một trong hơn 50 quốc gia mà tập đoàn này có các khoản đầu tư. Năm 2011, Exxon đã ký thỏa thuận hợp tác khai thác và sản xuất với tập đoàn dầu khí quốc doanh Rosneft của Nga.
Tại Việt Nam, Exxon hiện hợp tác với Tập đoàn dầu khí quốc gia VN triển khai dự án mỏ khí Cá Voi Xanh ở ngoài khơi miền Trung, sau khi ký thỏa thuận khung vào tháng 7.2013. Đến nay, các bên đã đạt được những bước tiến quan trọng trong quá trình đàm phán, thỏa thuận triển khai dự án có quy mô hàng tỉ USD này.
Việc đề cử ông Tillerson gợi ý ông Trump có thể sẽ hành động nhất quán với các tuyên bố bấy lâu nay về việc tháo gỡ căng thẳng với Nga. Tuy nhiên, cũng chính vì “tình hữu nghị với nước Nga”, ông Tillerson sẽ đối mặt không ít khó khăn trước khi được Thượng viện phê chuẩn, đặc biệt trong bối cảnh giới tình báo Mỹ vừa tố Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống nhằm giúp ông Trump chiến thắng.
Theo Reuters, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain, nghị sĩ đảng Cộng hòa thường xuyên chỉ trích ông Putin, đã nói với kênh Fox News rằng mối quan hệ giữa ông Tillerson với chủ nhân Điện Kremlin là vấn đề khiến ông “lo âu”.
Giới nghị sĩ Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 11.12 cũng bày tỏ lo ngại về việc đề cử ông Tillerson. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh rộng khắp thế giới của Exxon cũng đặt ra vấn đề xung đột lợi ích nếu ông Tillerson trở thành đại diện ngoại giao số 1 của Mỹ.
Găng Trung
Là lãnh đạo của một trong những tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới từ năm 2006, ông Tillerson có không ít kinh nghiệm làm việc với các chính phủ nước ngoài. Nhưng do chỉ làm việc tại Exxon suốt 41 năm qua, nên nếu được phê chuẩn ông sẽ là ngoại trưởng Mỹ đầu tiên trong thời hiện đại chưa từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực công.
Sự thiếu kinh nghiệm này của ông Tillerson, tuy vậy, có thể được bổ sung bởi cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc John Bolton, người được chọn làm thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao, theo các nguồn tin từ ban chuyển giao quyền lực của ông Trump được NBC News dẫn lời. Với vị trí số 2 ở Bộ Ngoại giao, nhà ngoại giao kỳ cựu này sẽ đảm trách xử lý công việc hằng ngày của bộ.
Nếu như việc đề cử ông Tillerson thể hiện xu hướng xem Nga như đối tác, thì việc ông Bolton được chọn làm cấp phó ở Bộ Ngoại giao có thể là tín hiệu cho thấy chính quyền Trump sẽ xem Trung Quốc như đối thủ địa chính trị, một sự đảo ngược so với thời chính quyền Richard Nixon, khi Washington được cho là kết thân với Bắc Kinh để cô lập Moscow trong Chiến tranh lạnh.
Trong một bài viết trên tờ The Wall Street Journal vào tháng 1, ông Bolton từng đề xuất sử dụng các mức độ leo thang quan hệ với Đài Loan, bao gồm cả thiết lập quan hệ ngoại giao toàn diện, để gây áp lực buộc Bắc Kinh rút lui các hoạt động bành trướng lãnh thổ ở Đông Á, đặc biệt là ở Biển Đông.
Mới đây, nhân vật có lúc được xem là ứng viên cho chức ngoại trưởng này cũng nhận xét cuộc điện đàm giữa ông Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn có thể là “nền tảng cho một mối quan hệ khác” với Trung Quốc theo hướng cứng rắn hơn về các vấn đề từ thương mại cho đến Biển Đông. Đây cũng chính là những vấn đề mà ông Trump đã công khai chỉ trích Trung Quốc trong những ngày qua.
Vì thế, xét đến mối quan hệ của ông Tillerson với Moscow, chủ trương của ông Bolton đối với Bắc Kinh và sự kết hợp của bộ đôi này, có thể nhận thấy lựa chọn của ông Trump cho các vị trí ngoại giao hàng đầu phù hợp với các tuyên bố và thể hiện của vị tổng thống đắc cử trong thời gian qua, đó là hòa hoãn với Nga và làm găng với Trung Quốc.
Ông Trump thắc mắc chính sách “một Trung Quốc”
Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh Fox News được phát sóng đêm 11.12, ông Trump tỏ ý muốn gắn liền chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ với những vấn đề bất đồng trong quan hệ giữa hai nước.
“Tôi không biết tại sao chúng ta phải bị ràng buộc với chính sách một Trung Quốc trừ khi chúng ta có được thỏa thuận với Trung Quốc về các thứ khác, bao gồm thương mại”, tổng thống đắc cử Mỹ nói khi trả lời câu hỏi về cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn mới đây. Theo ông Trump, bên cạnh thương mại, Trung Quốc còn không hợp tác với Mỹ về chính sách tiền tệ, vấn đề Triều Tiên và căng thẳng ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.