Lo ngại ngòi nổ bạo động ở Hồng Kông

03/07/2019 07:08 GMT+7

Chính quyền Hồng Kông gọi hành vi đập phá tòa nhà nghị viện là “không thể chấp nhận được và sẽ truy cứu đến cùng” trách nhiệm của những người phạm pháp.

Tình hình Hồng Kông hôm qua tạm thời lắng xuống sau vụ bạo lực tại tòa nhà Hội đồng lập pháp (LegCo) nổ ra từ chiều 1.7, theo AFP. Bắt đầu từ cuộc tuần hành ôn hòa thường niên nhân sự kiện đánh dấu ngày Anh trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc (1.7.1997), tình hình trở nên căng thẳng khi đám đông kéo đến bao vây LegCo và tiếp tục ra yêu sách đòi chính quyền hủy bỏ dự luật dẫn độ gây tranh cãi và buộc Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức.
Lực lượng cảnh sát bên trong tòa nhà cố gắng trấn áp bằng hơi cay và dùi cui nhưng đến tối, người biểu tình phá vỡ rào chắn để xông vào và bắt đầu đập phá đồ đạc, ảnh các nghị viên và sơn xịt khẩu hiệu lên tường tòa nhà. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), phải đến sau nửa đêm, hàng trăm cảnh sát chống bạo động mới được tăng cường và bao vây tòa nhà từ nhiều hướng nhưng hầu hết người biểu tình đã ra ngoài. Cuộc đụng độ sau đó kéo dài đến 1 giờ sáng 2.7, cảnh sát giành lại quyền kiểm soát toàn bộ khu vực xung quanh LegCo. Ít nhất 67 người bị thương trong cuộc đụng độ trong đó có 13 cảnh sát bị hắt dung dịch ăn mòn nghi là nước thông cống. Các cuộc họp tại LegCo trong vòng 2 tuần tới đều bị hoãn hoặc dời sang tòa nhà khác, theo CNN.

[VIDEO] Cảnh sát Hồng Kông vất vả giải vây Hội đồng Lập pháp

Trong cuộc họp báo lúc 4 giờ sáng qua, bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga bày tỏ “giận dữ, đau buồn” và lên án những người biểu tình quá khích gây rối trật tự công cộng. “Chúng tôi thấy hai cảnh tượng khác nhau trong đó là một cuộc tuần hành ôn hòa và hoàn toàn trật tự bất kể số lượng người tham gia. Cảnh tượng thứ hai thực sự là nỗi buồn và gây sốc cho nhiều người khi những người cực đoan sử dụng bạo lực xông vào LegCo để phá hoại”, Đặc khu trưởng Hồng Kông nói và nhấn mạnh sẽ truy cứu đến cùng trách nhiệm của những người vi phạm pháp luật.
Mặt khác, người đứng đầu chính quyền Hồng Kông bác bỏ cáo buộc cho rằng giới chức đã không đáp ứng yêu cầu của người biểu tình về dự luật dẫn độ. “Dự luật đã bị gác lại và sẽ hết hạn vào tháng 7.2020 khi nghị viện nhiệm kỳ hiện tại mãn nhiệm. Đó chính là sự phản ứng rất tích cực”, bà Lâm tuyên bố. Tuy vậy, nữ lãnh đạo cũng nói đã “nhìn lại toàn bộ sự việc ngày 1.7 và sẵn sàng đối thoại với toàn thể các tầng lớp người dân đặc khu”. Hôm qua, Tân Hoa xã trích lời một phát ngôn viên Văn phòng các vấn đề Hồng Kông và Macau thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc ủng hộ cách xử lý của chính quyền và cảnh sát trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự những người phạm pháp. Quan chức này chỉ trích hành động xông vào LegCo để đập phá và nói đây là “thách thức rõ ràng” cho chính sách “một quốc gia, hai chế độ”.
Ngay cả những bên ủng hộ phong trào phản đối ở Hồng Kông cũng tỏ ra lo ngại. Phòng Thương mại Mỹ ở Hồng Kông ngày 2.7 ra thông cáo lên án tình trạng biểu tình bạo lực, cho rằng những cảnh tượng gần đây “không phản ánh thái độ hầu hết người dân” ở đặc khu này, theo SCMP. Chủ tịch đảng Dân chủ đối lập ở Hồng Kông Martin Lee thì nói ông không thể bảo vệ hành vi của những người quá khích nhưng ông “có thể hiểu được sự thất vọng của họ”. Trong khi đó, Đài Al Jazeera dẫn lời chuyên gia Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc thuộc Trường nghiên cứu Phương Đông và châu Phi ở London (Anh), cảnh báo vụ bạo lực đe dọa chia rẽ phong trào phản đối ở Hồng Kông. Vì thế, cũng có một số ý kiến quan ngại có thể một thế lực nào đó cố tình trà trộn vào người biểu tình để kích ngòi bạo động như đã từng xảy ra trong đợt biểu tình Chiếm Trung hoàn năm 2014.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.