Lộ mặt nhóm cướp Đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha

28/03/2019 09:29 GMT+7

Tổ chức Dân phòng Thiên lý mã thừa nhận thực hiện vụ đột nhập táo bạo vào Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên ở Madrid hồi tháng 2 và “cung cấp dữ liệu cho FBI”.

Đài NPR hôm qua đưa tin tòa án cấp cao Tây Ban Nha đã gỡ niêm phong hồ sơ điều tra vụ cướp, trong đó xác định danh tính 10 người bị cho là “tổ chức tội phạm” đã xâm nhập Đại sứ quán Triều Tiên ở Madrid hôm 22.2. Thủ lĩnh nhóm này là Adrian Hong Chang, công dân Mexico gốc Triều Tiên sống tại Mỹ, cùng 2 thành viên khác bị nêu tên là công dân Mỹ Sam Ryu và công dân Hàn Quốc Woo Ran-lee. Nhiều nguồn tin khác xác nhận Adrian thuộc tổ chức mang tên Dân phòng Thiên lý mã (CCD) chuyên tiến hành các hoạt động chống CHDCND Triều Tiên và là đồng sáng lập tổ chức mang tên Tự do tại Triều Tiên (LiNK). Tuy nhiên, LiNK ngày 27.3 tuyên bố không còn liên quan đến ông này trong hơn 10 năm qua.
Theo hồ sơ, Adrian đã mua dao và súng giả tại một cửa hàng ở Madrid để chuẩn bị. Đến chiều 22.2, ông này giả dạng là một doanh nhân đến Đại sứ quán Triều Tiên nói muốn gặp Tùy viên thương mại Yun Sok-so và sau đó cùng đồng bọn vào bên trong. Cả nhóm uy hiếp trói tay, bịt mắt và nhét giẻ vào miệng các nhân viên, hành hung tùy viên Yun và buộc ông này đào nhiệm nhưng bất thành. Một số kẻ tấn công còn tự xưng là người của một tổ chức đấu tranh “vì tự do cho Triều Tiên”. Cả nhóm sau đó lấy đi nhiều USB, máy tính, ổ cứng và điện thoại rồi tẩu thoát. Kết quả điều tra cho thấy các thủ phạm tách thành 4 nhóm nhỏ, trốn sang Bồ Đào Nha và sau đó quay về Mỹ. Vài ngày sau, Adrian được cho là đã liên lạc với Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) để cung cấp thông tin lấy được từ số thiết bị nêu trên. Reuters hôm qua dẫn nguồn tin tiết lộ Tây Ban Nha sẽ đề nghị Mỹ dẫn độ nhóm nghi phạm để xét xử với mức án có thể lên đến 28 năm tù cho mỗi người.
Cùng ngày, tổ chức CCD, gần đây vừa thành lập “cái gọi là chính phủ lưu vong” chống chính quyền Bình Nhưỡng, tuyên bố nhận trách nhiệm vụ việc nhưng phủ nhận đã dùng vũ lực. CCD cũng nói đã “chia sẻ thông tin tiềm ẩn giá trị cực lớn cho FBI theo thỏa thuận chung trên nguyên tắc bảo mật” nhưng phía Mỹ đã “phản bội lòng tin” khi tuồn thông tin cho báo chí về “danh tính của những người liên quan”. FBI từ chối bình luận trong khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino nhấn mạnh Washington “không dính dáng gì đến vụ việc”, theo AFP. Đến nay, Triều Tiên chưa đưa ra bất cứ bình luận nào.
Tờ The Telegraph trích bài viết trên trang cá nhân của cựu Phó đại sứ Triều Tiên tại Anh Thae Yong-ho, người đào tẩu sang Hàn Quốc hồi năm 2016, cho rằng nhóm cướp Đại sứ quán ở Madrid hồi tháng 2 có thể đã lấy đi một loại máy tính giải mật liên lạc “có giá trị quý hơn mạng người”. Theo ông Thae, Bình Nhưỡng dùng một loại mật mã dựa trên các đoạn trích lấy từ nhiều cuốn tiểu thuyết để liên lạc với các đại sứ quán ở nước ngoài và chỉ có chương trình trong chiếc máy tính nói trên mới có thể giải mã. Đây được cho là lý do mà Triều Tiên gần đây triệu hồi đại sứ tại Trung Quốc, Nga và LHQ về nước để bàn bạc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.