Liên minh công nghệ bảo vệ 'giấc mơ Mỹ'

22/10/2017 10:32 GMT+7

Nhiều ông lớn công nghệ đang lập liên minh đòi quốc hội Mỹ thông qua luật bảo vệ lao động trẻ nhập cư thuộc chương trình DACA khỏi nguy cơ bị trục xuất.

Hiện tại, gần 20 công ty lớn tại Mỹ đang chuẩn bị thành lập một liên minh nhằm yêu cầu quốc hội thông qua đạo luật mới, kêu gọi bảo vệ những người có nguy cơ bị ảnh hưởng nếu chương trình hỗ trợ người nhập cư DACA bị bãi bỏ. Theo Reuters, tham gia tổ chức có tên gọi Liên minh vì Giấc mơ Mỹ (ADC) này có nhiều tập đoàn công nghệ như Facebook, Google, IBM, Intel, Microsoft, Uber và nhiều công ty thuộc các ngành nghề khác.
DACA là lệnh hành pháp do Tổng thống Barack Obama ban hành vào năm 2012, cho phép những người nhập cảnh bất hợp pháp vào Mỹ trước năm 16 tuổi được tạm hoãn trục xuất và cấp giấy phép làm việc, học tập cũng như có thể tái tục trong 2 năm. Đương đơn phải dưới 31 tuổi vào ngày 15.6.2012, sống liên tục tại Mỹ từ ngày 15.6.2007, hoàn tất bậc trung học, không phạm tội nghiêm trọng trong thời gian lưu trú. Vào thời điểm Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ chấm dứt chương trình DACA hồi tháng 9, có khoảng 800.000 người được chính sách này bảo trợ (thường được gọi là “Dreamer”), đa phần là dân di cư từ các nước Trung Mỹ.
Hồi tháng 9, chính quyền Tổng thống Trump thông báo chấm dứt chương trình DACA vì cho rằng đây là chính sách vi hiến, tước hàng ngàn việc làm của người dân Mỹ để trao cho những người nước ngoài nhập cư bất hợp pháp. Theo quyết định mới, những người có giấy phép hết hạn trước ngày 5.3.2018 có thể tái đăng ký giấy phép trước ngày 5.10. Trong khi đó, những người đăng ký mới sẽ không được chấp nhận. Một khi giấy phép hết hạn, đồng nghĩa người đó có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào. Nhà Trắng đã đưa ra thời hạn 6 tháng để quốc hội tìm giải pháp thay thế thích hợp.
Phong trào phản kháng
Sau khi quyết định của chính quyền Tổng thống Trump được công bố, khoảng 800 công ty đã ký vào lá thư gửi đến giới lãnh đạo quốc hội kêu gọi thông qua điều luật nào đó bảo vệ những Dreamer. Chiến dịch này được phát động bởi tổ chức vận động cải cách bảo vệ người nhập cư có tên FWD.us do người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg lập ra vào năm 2013. Nhiều công ty ký tên trong lá thư đã gia nhập ADC, theo Reuters. Amazon, Intel, Uber và Univision Communications đã xác nhận thông tin này. Phát ngôn viên Will Moss của Intel thông báo công ty rất hài lòng khi gia nhập cùng những tổ chức khác nhằm kêu gọi quốc hội thông qua luật pháp để bảo vệ những Dreamer. Phát ngôn viên Uber Matthew Wing nhấn mạnh Uber gia nhập liên minh vì muốn ủng hộ những người trẻ nhập cư và đã mở một số trung tâm hỗ trợ cho những người này. Mẫu đơn đăng ký vào ADC cho thấy có 72% số công ty thuộc tốp 25 của bảng xếp hạng Fortune 500 có tuyển dụng những người thuộc DACA. Một văn bản khác của liên minh nêu rằng "những Dreamer là một phần của xã hội. Họ bảo vệ đất nước và hỗ trợ nền kinh tế của chúng ta".
Theo giới quan sát, giải pháp có thể sẽ được đưa ra vào tháng 12, hạn chót để quốc hội thông qua ngân sách chi tiêu nhằm tránh việc chính phủ bị đóng cửa. Phe Dân chủ được cho là sẽ bỏ phiếu để dự luật chi tiêu chính phủ được thông qua, đổi lại, quốc hội do phe Cộng hòa kiểm soát sẽ phải có biện pháp đảm bảo tương lai cho những người nhập cư được bảo vệ trong chính sách mà cựu Tổng thống Obama để lại.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Nancy Pelosi nói rằng bà sẽ “sử dụng mọi khả năng" để thương lượng nhằm bảo vệ chương trình DACA, theo tờ The Washington Post. Hạ nghị sĩ Luis Gutierrez, người chỉ trích dữ dội chính sách nhập cư của Tổng thống Trump, kêu gọi phe Dân chủ hoãn bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách. "Tôi không nói rằng chúng ta nên đóng cửa chính phủ nhưng nếu bạn muốn bản ngân sách với phiếu bầu của người Dân chủ, bạn phải đáp ứng một số ưu tiên của phe Dân chủ", ông Gutierrez nhấn mạnh.
Theo nội dung bức thư mà các công ty công nghệ gửi lên quốc hội hồi tháng 9, nền kinh tế của nước Mỹ sẽ mất 460,3 tỉ USD từ GDP và 24,6 tỉ USD đóng góp cho tiền thuế an sinh xã hội và y tế nếu DACA bị bãi bỏ. Những Dreamer được coi là quan trọng sống còn đến tương lai của các công ty và nền kinh tế Mỹ. Vì thế, nếu DACA không được bảo vệ, "toàn bộ 780.000 người trẻ lao động miệt mài sẽ mất quyền làm việc hợp pháp tại Mỹ và họ đứng trước nguy cơ bị trục xuất ngay lập tức".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.