Lịch sử gặp gỡ thượng đỉnh liên Triều: những cơ hội bị bỏ lỡ

Văn Khoa
Văn Khoa
27/04/2018 06:30 GMT+7

Hai cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều trước đây từng mang đến nhiều hy vọng về thiết lập hòa bình vĩnh viễn và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên

Vào sáng 27.4, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên sẽ có cuộc gặp tại Bàn Môn Điếm thuộc khu phi quân sự liên Triều. Đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều thứ 3 kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc.
Hai cuộc gặp thượng đỉnh trước đây diễn ra vào năm 2000 và 2007, đều được tổ chức ở Bình Nhưỡng, với kết quả là nhiều hứa hẹn tốt đẹp nhưng phần lớn không trở thành hiện thực..
Cuộc đón tiếp xúc động
Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên diễn ra từ ngày 13-15.6.2000. Khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il, cha của đương kim lãnh đạo Kim Jong-un, đã khiến cả thế giới ngạc nhiên bằng cách ra đến tận sân bay để đích thân chào đón Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung, theo AFP.
Hàng trăm ngàn người Triều Tiên xếp hàng trên nhiều con phố, vẫy hoa giấy để chào đón Tổng thống Kim Dae-jung.
“Tôi rất vui được gặp ông. Tôi mong điều này từ rất lâu”, vị khách nói với chủ nhà. “Chúng ta đều là người Triều Tiên”, ông Kim Jong-il đáp lại. Sau này, trong cuốn hồi ký của mình, Tổng thống Kim Dae-jung viết rằng khi cùng ngồi trên xe, nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã hỏi ông: “Ông có sợ đến miền Bắc không?””
Chuyến thăm Triều Tiên kéo dài 3 ngày của tổng thống Hàn Quốc đạt kết quả là hai nhà lãnh đạo đặt bút ký một thỏa thuận giảm căng thẳng, đẩy mạnh nỗ lực tái thống nhất, trong đó hướng tới hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên, và tổ chức cuộc đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt do chiến tranh. Tại buổi ăn trưa chia tay, hai nhà lãnh đạo còn cùng hát lên bài: “Mơ ước của chúng ta là thống nhất”.
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên đã được lãnh đạo của nhiều nước khen ngợi. Trong đó, Mỹ xem cuộc gặp là “ngày hy vọng mới”, theo AFP. Cuộc gặp thượng đỉnh cũng giúp tổng thống Hàn Quốc trở thành chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm 2000. Tổng thống Kim Dae-jung chính là người đã khởi xướng Chính sách Ánh dương từ năm 1998 nhằm cải thiện quan hệ với Triều Tiên.
Tuy nhiên, quan hệ được cải thiện giữa hai miền sau cuộc gặp thượng đỉnh đã không kéo dài lâu. Theo giáo sư Koh Yu-hwan, chuyên gia về Triều Tiên ở Đại học Dongguk, có nhiều nhân tố dẫn đến điều này, "như việc Mỹ có tổng thống mới, cuộc chiến chống khủng bố, cộng với các thuyết cho rằng Triều Tiên không tránh khỏi sụp đổ". Hậu quả là tiến trình phi hạt nhân hóa thông qua đàm phán bị ngừng lại và quan hệ liên Triều lại căng thẳng
Kết quả vượt mong đợi
Cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần hai diễn ra từ ngày 2-4.10.2007. Trong một cử chỉ mang tính biểu tượng cao, Tổng thống Hàn Quốc khi đó Roh Moo-hyun đã đi bộ khoảng 30 m qua biên giới trước khi lên xe tới Bình Nhưỡng, theo AFP. Sau này,Tổng thống Roh kể rằng ông không thể ngủ trong đêm đầu tiên ở Bình Nhưỡng vì ông cảm thấy có sự khác biệt lớn đối với miền Bắc về tư tưởng. “Tôi không chắc liệu chúng tôi có thể nhất trí về một điểm nào hay không”, ông Roh cho biết thêm.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun sau khi ký một tuyên bố hòa bình trong cuộc gặp ở Bình Nhưỡng hồi tháng 10.2007 AFP
Trên thực tế, Tổng thống Roh và nhà lãnh đạo Kim Jong-il đã ký tuyên bố chung kêu gọi xây dựng một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân và một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn giữa hai miền Triều Tiên. Hai bên còn nhất trí thiết lập các cuộc trao đổi chính trị và thương mại cũng như tổ chức gặp gỡ  thượng đỉnh thường xuyên sau đó.
Vào cuối cuộc gặp, ông Kim Jong-il đã bắt tay và cụng ly rượu sâm banh với Tổng thống Roh. Trước khi rời Bình Nhưỡng, ông Roh trông lạc quan và trồng một cây xanh để lưu niệm.
Trong lúc đó, phản ứng của quốc tế đối với cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 có vẻ thờ ơ so với sự kiện đầu tiên. Khi đó, Mỹ nhấn mạnh hòa bình trên bán đảo Triều Tiên phụ thuộc vào việc Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, tình hình bắt đầu căng thẳng trở lại dưới thời Tổng thống Lee Myung-bak (2008-2013), vốn có lập trường cứng rắn đối với miền Bắc. Vào năm 2009, Triều Tiên tuyên bố rút khỏi vòng đàm phán về chương trình hạt nhân của nước này, có sự tham gia của 6 bên, gồm có hai miền Triều Tiên, Mỹ, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc, và sau đó tiến hành đợt thử hạt nhân lần 2 (25.5.2009). 

Ngày 18.11.2010, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ra Sách trắng tuyên bố Chính sách Ánh dương đã thất bại vì dù được Seoul viện trợ và khích lệ trong một thập niên, “Bình Nhưỡng vẫn không thể hiện thay đổi tích cực trong hành vi”. Khoảng 6 năm sau, khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong bị đóng cửa sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 4 (6.1.2016).

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 3 sắp tới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 21.4 tuyên bố nước này sẽ dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân và tên lửa để tập trung phát triển kinh tế đất nước. “Cuộc đấu tranh của người dân, những người đã thắt lưng buộc bụng lao động cật lực để có được thanh gươm bảo vệ hòa bình, đã kết thúc thành công”, Hãng thông tấn KCNA dẫn lời ông Kim phát biểu tại phiên họp 20.4 của Ban Chấp hành trung ương đảng Lao động Triều Tiên.
Dự kiến, vấn đề phi hạt nhân hóa và một hiệp ước hòa bình nhằm chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên sẽ nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.