Lễ Phục sinh tang tóc ở Sri Lanka

22/04/2019 07:31 GMT+7

Hàng loạt vụ đánh bom nhằm vào các nhà thờ, khách sạn ở Sri Lanka ngay trong ngày lễ Phục sinh khiến hơn 200 người chết và 450 người bị thương.

Cảnh sát xác nhận có 8 vụ nổ được sắp xếp dây chuyền tại nhiều địa điểm ở thủ đô Colombo cùng các vùng lân cận trong ngày 21.4. Vụ đầu tiên xảy ra tại nhà thờ Thánh Anthony nổi tiếng ở Colombo vào khoảng 8 giờ 45 (giờ địa phương). Nhà thờ Sebastian tại thị trấn Negombo, phía bắc Colombo, hứng chịu vụ nổ thứ hai, theo AFP. Ngay sau đó, nhà chức trách thông báo nhà thờ Zion ở thị trấn Batticaloa là địa điểm thứ ba bị tấn công, cùng thời điểm xảy ra hàng loạt vụ nổ tại 3 khách sạn Shangri-La, Cinnamon Grand và Kingsbury. Đây đều là những khách sạn 5 sao nằm tại trung tâm thủ đô và tập trung nhiều doanh nhân, du khách nước ngoài. Riêng khách sạn Cinnamon Grand còn tọa lạc gần phủ thủ tướng. Đến trưa cùng ngày, vụ nổ thứ 7 và 8 xảy ra liên tiếp tại một khách sạn ở khu ngoại ô phía nam Colombo và địa điểm khác thuộc phía bắc thủ đô.
[VIDEO] Đánh bom lễ Phục sinh ở Sri Lanka: gần 300 người thiệt mạng
Đến tối qua, cảnh sát xác định ít nhất 215 người thiệt mạng và 450 người bị thương, đồng thời cảnh báo số thương vong có thể tăng lên, theo tờ The Guardian. Trong số này có hơn 20 người nước ngoài mang quốc tịch Anh, Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Đan Mạch, Ma Rốc, Nhật Bản, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được coi là hành động tấn công đẫm máu nhất tại Sri Lanka kể từ khi cuộc nội chiến kéo dài hơn 20 năm giữa chính phủ và lực lượng Hổ Tamil kết thúc năm 2009.
Hình ảnh trên mạng xã hội và truyền hình Sri Lanka cho thấy 3 nhà thờ đều tan hoang với phần mái bị thổi tung, mảnh vỡ rơi vãi cùng những vũng máu khắp nơi. Bộ trưởng Cải cách Kinh tế và Phân phối công Harsha de Silva đã đến nhà thờ Thánh Anthony cùng 2 khách sạn và ông miêu tả cảnh tượng kinh hoàng “như địa ngục”. Đến tối qua, khói vẫn còn bốc lên từ cửa trước tại nhà thờ Thánh Anthony và nhân chứng cho hay vẫn còn thi thể bên trong. “Khắp nơi đều là máu cùng tro bụi. Tôi thấy rất nhiều người chết, bao gồm cả trẻ em”, tờ The New York Times dẫn lời nhân chứng N.A.Sumanapala bàng hoàng kể.
Lễ Phục sinh tang tóc ở Sri Lanka1
Nỗi đau của gia đình các nạn nhân Ảnh: Reuters
Hiện vẫn chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm đợt tấn công. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Ruwan Wijewardene xác định thủ phạm là “những phần tử cực đoan” và 8 nghi phạm đã bị bắt giữ. Chính phủ cũng khẳng định đây là những vụ đánh bom liều chết liên hoàn do cùng một nhóm thực hiện, nhưng không công bố thêm chi tiết. “Tôi kịch liệt lên án vụ tấn công hèn hạ nhắm vào dân thường. Toàn thể nhân dân trong khoảng thời gian này hãy duy trì đoàn kết. Xin hãy tránh xa những lời đồn đoán và thông tin chưa kiểm chứng. Chính phủ sẽ làm mọi thứ có thể để kiểm soát tình hình”, AFP dẫn lời Thủ tướng Ranil Wickremesinghe tuyên bố. Sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Wijewardene thông báo áp đặt lệnh giới nghiêm có hiệu lực kể từ 18 giờ tối 21.4. Điện thoại di động, các mạng xã hội và ứng dụng tin nhắn như Facebook và WhatsApp cũng tạm thời bị chặn để tránh lan truyền tin giả mạo và đồn đoán, gây thêm hoang mang. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Giáo dục Akila Viraj Kariyawasam cho hay tất cả trường học sẽ bị đóng cửa trong hai ngày 22, 23.4.
Đáng chú ý, 10 ngày trước vụ tấn công, người đứng đầu lực lượng cảnh sát Sri Lanka, ông Pujuth Jayasundara đã gửi cảnh báo cho các quan chức cấp cao về nguy cơ các nhà thờ bị tấn công, theo AFP. “Một cơ quan tình báo nước ngoài cung cấp thông tin rằng nhóm National Thowheeth Jama'ath (NTJ) đang lên kế hoạch đánh bom liều chết nhắm vào những nhà thờ nổi tiếng và Văn phòng Cao ủy Ấn Độ ở Colombo”, theo cảnh báo. NTJ là nhóm Hồi giáo cực đoan ở Sri Lanka dính líu đến vụ phá hoại hàng loạt tượng Phật hồi năm 2018.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi điện chia buồn
Theo tin từ Bộ Ngoại giao, được tin các vụ đánh bom tại Sri Lanka ngày 21.4 làm nhiều người thiệt mạng và bị thương, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi điện chia buồn đến Tổng thống Maithripala Sirisena, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Ranil Wickremesinghe và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi điện chia buồn đến Chủ tịch Quốc hội Karu Jayasuriya. Cùng ngày, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka Tilak Janak Marapana.
Lãnh đạo nhiều nước và tổ chức trên thế giới đều bày tỏ chia sẻ với Sri Lanka và cực lực lên án vụ tấn công ngay trong ngày lễ Phục sinh. CNN dẫn lời Giáo hoàng Francis lên án “bạo lực tàn nhẫn” và cho biết ông nguyện cầu cho các nạn nhân. Các nhà lãnh đạo 2 nước láng giềng trong khu vực là Ấn Độ và Pakistan bày tỏ sự đoàn kết cùng Sri Lanka sau “hành động tấn công dã man”. Mỹ, Úc và một số nước khác cho biết sẵn sàng hỗ trợ Sri Lanka nếu được yêu cầu.
Vũ Hân - Thụy Miên
Ít có nguy cơ người Việt bị ảnh hưởng
Trả lời Thanh Niên chiều 21.4, ông Trần Tuấn Dũng, Tham tán công sứ Đại sứ quán VN tại Sri Lanka cho biết Ban Công tác cộng đồng người Việt báo cáo không có người Việt gặp nạn trong các vụ nổ tại Colombo và vùng phụ cận vào cùng ngày. Số liệu của đại sứ quán cho thấy cộng đồng người Việt tại Sri Lanka hiện chỉ có khoảng 10 - 15 người, bên cạnh số ít người đi du lịch hoặc quá cảnh tại đây. Hiện đại sứ quán đang tiếp tục tìm hiểu thêm thông tin từ các cơ quan chức năng Sri Lanka. Ông Dũng cho biết thêm kể từ sau cuộc nội chiến (1983 - 2009), Sri Lanka chưa bao giờ xảy ra hàng loạt vụ đánh bom như thế. “Loạt vụ nổ gây chấn động toàn lãnh thổ và khiến người dân rất hoang mang”, ông nói.
Trong trường hợp cần trợ giúp, công dân VN có thể liên hệ với đại sứ quán theo số điện thoại (+94-11) 2696050, máy lẻ 101/110 hoặc số điện thoại của Tổng đài Bảo hộ công dân (+84) 981 848484.
Khánh An
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.