Lầu Năm Góc cấp vũ khí dễ như 'phát kẹo'

03/08/2017 07:08 GMT+7

Bộ Quốc phòng Mỹ vừa bị “lừa” một vố đau, qua đó cho thấy sự lỏng lẻo của cơ quan này trong chương trình quản lý cấp phát khí tài quân sự.

Năm 1989, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật LESO cho phép Lầu Năm Góc chuyển giao tài sản quân sự dư thừa cho lực lượng cảnh sát địa phương nhằm củng cố năng lực của các cơ quan hành pháp. Từ năm 1991 đến nay, trong khuôn khổ chương trình này đã có lượng khí tài trị giá hơn 6 tỉ USD được chuyển giao cho ít nhất 8.600 lực lượng cảnh sát địa phương, tiểu bang và liên bang trên toàn quốc.
Tuy nhiên, cách đây 3 năm, chương trình LESO trở thành tâm điểm tranh cãi sau khi cảnh sát triển khai xe bọc thép đối phó đợt bạo động lớn ở TP.Ferguson, bang Missouri. Trước sự phản đối lan rộng, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã ký sắc lệnh hành pháp ngăn cấm phân phối một số vũ khí như súng phóng lựu và súng hạng nặng.
Mới đây, LESO tiếp tục gây xôn xao sau khi Văn phòng Kiểm toán và điều tra chính phủ (GAO) công bố báo cáo cho thấy sự khinh suất “không thể tưởng tượng” của Lầu Năm Góc đối với chương trình.
Đài Fox News dẫn báo cáo cho thấy giới chức Bộ Quốc phòng thoải mái cấp một lô vũ khí và trang thiết bị quân sự cho một lực lượng cảnh sát “ảo” mà không hề có động thái kiểm tra mức độ xác thực. Cụ thể, các nhà điều tra của GAO lập một website sở cảnh sát ảo dựa trên các nguồn tài nguyên có sẵn trên mạng rồi điền mẫu đơn yêu cầu cung cấp nhiều khí tài. Trong số này có súng trường M-16A2, thiết bị nổ, ống nhòm hồng ngoại chuyên dụng nhìn đêm và rô bốt rà phá mìn.
“Chưa đầy 1 tuần kể từ khi nộp đơn, lực lượng cảnh sát ảo của chúng tôi nhận được phản hồi từ Lầu Năm Góc với nội dung đồng ý chuyển giao hơn 100 khí tài với tổng giá trị ước tính khoảng 1,2 triệu USD”, tờ Houston Chronicle dẫn lại báo cáo của GAO hồi tháng 7 viết. Tờ báo này còn bình luận rằng may mắn là GAO chứ không phải là lực lượng thù địch cực đoan hay các băng nhóm xã hội đen khét tiếng thích dùng “hàng nóng” của Mỹ như
MS-13 hay Tango Blast đứng đằng sau “cú lừa”. “Bộ Quốc phòng không hề thực hiện bước kiểm tra nào, chẳng hạn như đến trụ sở đặt “văn phòng” của chúng tôi hay yêu cầu cung cấp thêm giấy tờ. Hầu hết quy trình đều được thực hiện qua thư điện tử như thể chúng tôi đang đặt mua hàng qua mạng vậy”, bà Zina Merritt, Trưởng phòng Quản lý năng lực quốc phòng thuộc GAO, cho hay. Vụ việc đang tiếp tục được xử lý và trước mắt, Lầu Năm Góc tuyên bố đồng ý với báo cáo của GAO và sẽ đưa ra biện pháp siết chặt công tác kiểm tra nội bộ.
Nguy cơ từ chương trình tuyển quân đổi quốc tịch Mỹ
Các nhà điều tra của Bộ Quốc phòng Mỹ đã phát hiện “những nguy cơ an ninh tiềm tàng” trong chương trình tuyển mộ hơn 10.000 người nước ngoài nhập ngũ từ năm 2009. Đài Fox News hôm qua dẫn các nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho hay sau hơn 1 năm điều tra, Văn phòng tổng thanh tra Bộ Quốc phòng vừa đưa ra báo cáo nêu bật những vấn đề nghiêm trọng tồn tại trong chương trình MAVNI, vốn cho phép người di cư nhập tịch Mỹ nếu phục vụ trong quân ngũ, như lỗ hổng về kiểm tra nhân thân và thiếu phối kiểm các dấu hiệu cực đoan của người nộp đơn. Hiện Bộ Quốc phòng đã ngưng nhận đơn mới để xem xét lại toàn bộ chương trình nhằm ngăn chặn nguy cơ bị thế lực nước ngoài cài người vào quân đội.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.