Lặp lại tác động càng lớn

26/06/2016 06:00 GMT+7

Chuyến thăm Armenia nằm trong chủ định của Giáo hoàng Francis là hiện diện nhiều hơn ở vùng sâu vùng xa của thế giới Thiên Chúa giáo nhưng lại có ý nghĩa riêng rất đặc biệt.

Armenia, được coi là quốc gia Thiên Chúa giáo lâu đời nhất trên thế giới và đã chọn Thiên Chúa giáo là quốc giáo từ năm 301, đang tranh chấp với Azerbaijan về vùng Nagorny Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn Azerbaijan đến mức đóng cửa hoàn toàn biên giới và không có quan hệ ngoại giao với Armenia. Trong khi đó, Armenia được Nga ủng hộ mà quan hệ Moscow - Ankara hiện rất trắc trở. Thổ Nhĩ Kỳ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề tị nạn và vấn đề thù địch với tín đồ Thiên Chúa ở Trung Đông, vùng Vịnh và Bắc Phi. Giáo hoàng Francis có dự định thăm Azerbaijan nên Thổ Nhĩ Kỳ không có lý do gì để phàn nàn việc ông đến Armenia.
Nhưng khi ở Armenia, Giáo hoàng Francis nhắc lại quan điểm coi vụ quân đội Đế chế Ottoman - mà Thổ Nhĩ Kỳ là nước thừa kế về phương diện pháp lý quốc tế - tàn sát người Armenia cách đây một thế kỷ là vụ diệt chủng. Điều này khiến Ankara rất giận dữ. Đến nay đã có 29 quốc gia và 45 bang ở Mỹ coi vụ này là diệt chủng. Vatican có cùng quan điểm ấy thì tác động tai hại gấp bội đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Giáo hoàng Francis lặp lại những gì người tiền nhiệm là John Paull II đã làm. Giáo hoàng John Paul II đã tới Armenia năm 2001 với quan điểm tương tự. Hành động và phát biểu được lặp lại, nhưng tác động lớn hơn rất nhiều bởi thể hiện sự khẳng định rằng đánh giá ấy không phải của cá nhân 2 vị giáo hoàng mà là của nhà thờ Thiên Chúa giáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.