Lào tính xây đập trên sông Mê Kông, chuyên gia nói gì?

Khánh An
Khánh An
18/05/2020 07:15 GMT+7

Các chuyên gia quốc tế phân tích rằng việc Lào xúc tiến dự án xây đập thủy điện thứ 6 trên dòng chính sông Mê Kông là không cần thiết.

Theo Ủy hội sông Mê Kông (MRC), chính phủ Lào đang tiến hành quá trình tham vấn trước cho đập thủy điện Sanakham, dự án đề xuất thứ 6 trong kế hoạch xây 11 con đập trên dòng chính sông Mê Kông tại nước này. Dự án dự kiến khởi công ngay trong năm nay và đi vào vận hành năm 2028, chủ yếu bán điện sang Thái Lan. Theo thiết kế, dự án có vốn đầu tư 2,073 tỉ USD này dài 350 m, cao 58 m, có 12 tổ máy hoạt động quanh năm với tổng công suất 684 MW, được xây tại huyện Sanakham thuộc tỉnh Vientiane.

Thiệt hại quá lớn

Trả lời Thanh Niên, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Tổ chức Sông ngòi thế giới (International Rivers) Gary Lee cho biết đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam đã và đang hứng chịu tác động kép từ biến đổi khí hậu và đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mê Kông, làm cản trở dòng chảy và các chất trầm tích quan trọng cho nền kinh tế đồng bằng và đời sống người dân. Nếu được xây dựng, đập Sanakham sẽ làm trầm trọng thêm các tác động môi trường, xã hội của các đập thủy điện hiện có. “Nghiên cứu của hội đồng MRC tái khẳng định tác động kết hợp của đập Sanakham và các đập khác đang hoạt động hoặc trong quy hoạch sẽ đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái, kinh tế, an ninh lương thực ở lưu vực sông Mê Kông, với những gia đình nghèo hơn sẽ chịu tác động lớn nhất”, ông chỉ rõ.
Lào tính xây đập trên sông Mê Kông, chuyên gia nói gì?1

Sông Mê Kông đoạn chảy qua Lào

Mặt khác, ông Lee cho rằng không nên xây đập Sanakham vì Thái Lan không cần mua thêm điện. Cùng với tác động kinh tế từ đại dịch Covid-19, Bộ Năng lượng Thái Lan tháng trước dự báo hệ số dự phòng cho năm 2020 có thể lên đến 40%, tương đương 18.000 MW. “Công suất này tương đương 25 con đập Sanakham. Rõ ràng điện năng từ đập Sanakham là không cần thiết. Thiệt hại là quá lớn nếu tiếp tục với một dự án không cần thiết và có nhiều tác động như đập Sanakham”, ông nhấn mạnh.

4 nước chịu ảnh hưởng

Về tác động đối với dòng chảy và môi trường, ông Marc Goichot, Trưởng chương trình nước ngọt châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), cho rằng 2 yếu tố gây quan ngại và có tác động lâu dài nhất từ dự án đập thủy điện Sanakham là sự di cư của các loài thủy sản và các chất trầm tích. “Một số người nói rằng hệ thống đập thủy điện của Trung Quốc và đập Xayaburi (Lào) hiện đang vận hành, việc thêm một con đập nữa cũng chỉ có tác động nhỏ. Tôi cho rằng ngược lại vì các tuyến di cư của thủy sản đã bị thay đổi lớn và chỉ chưa đến 1/4 các chất trầm tích chảy xuống hạ du và ra biển nên từng con cá, từng tấn cát giờ đây mang yếu tố sống còn đối với ĐBSCL và cư dân tại đây”, ông chia sẻ nhận định với Thanh Niên.
Lào tính xây đập trên sông Mê Kông, chuyên gia nói gì?2

Đập Xayaburi nằm trong quy hoạch 11 đập trên dòng chính sông Mê Kông tại Lào

Ảnh: AFP

Theo chuyên gia này, khoa học chứng minh rõ rằng ĐBSCL đang sụt lún và thu hẹp nhanh chóng khiến hàng triệu người phải hứng chịu hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt. Thêm một con đập ở Sanakham sẽ khiến tình hình thêm nghiêm trọng, bên cạnh việc gia tăng sạt lở ven sông tại 4 nước hạ nguồn là Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. “Công tác giảm bớt tác động xã hội và môi trường sẽ tốn kém hơn so với tiền bán điện. Vậy tại sao lại đầu tư dự án khi chúng ta đã có đủ đập thủy điện ở khu vực Mê Kông nhằm ổn định lưới điện các nước”, ông nhấn mạnh.
Ngày 20.10.2010, MRC bắt đầu tiến trình tham vấn về dự án thủy điện Xayaburi. Đến cuối năm 2010, Lào bắt đầu xây dựng dự án Xayaburi dù đến ngày 22.4.2011 mới kết thúc tham vấn. Đến tháng 7.2012, Việt Nam và Campuchia đề nghị dừng xây dựng dự án để chờ nghiên cứu thêm. Quốc hội Lào phê duyệt dự án vào tháng 12.2012 và đập chính thức hoạt động vào ngày 29.10.2019.
Về dự án Don Sahong, MRC bắt đầu tiến trình tham vấn dự án vào ngày 25.12.2014. Quá trình tham vấn kết thúc vào ngày 24.1.2015. Mặc dù có yêu cầu cần nghiên cứu thêm nhưng các bên không đạt thỏa thuận. Dự án bắt đầu xây dựng vào tháng 1.2016 và bắt đầu tích nước để phát điện từ tháng 5.2019.
MRC bắt đầu tiến trình tham vấn đối với Pak Beng vào ngày 20.12.2016, dự án Pak Lay vào ngày 8.8.2018 và dự án Luang Prabang vào ngày 8.10.2019.
Nguồn: MRC
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.