Lãnh đạo Hồng Kông đưa ra 4 đề xuất giải quyết khủng hoảng

04/09/2019 19:18 GMT+7

Đặc khu trưởng Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đưa ra 4 đề xuất để có thể đối thoại với người biểu tình nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng vài tháng qua tại đặc khu.

Chiều 4.9, lãnh đạo Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga có bài phát biểu trên truyền hình và thông báo rút lại dự luật dẫn độ gây tranh cãi.
Trong bài phát biểu, bà Lâm nói rằng các sự kiện trong gần 3 tháng qua đã gây đau buồn cho người dân Hồng Kông và bà muốn tìm giải pháp để gỡ nút thắt.
Theo tờ South China Morning Post, nữ lãnh đạo đưa ra 4 đề xuất để tiến hành đối thoại với người biểu tình. Thứ nhất, chính quyền sẽ chính thức rút lại dự luật dẫn độ khi Hội đồng Lập pháp làm việc trở lại vào tháng 10.

[VIDEO] Lãnh đạo Hồng Kông chính thức rút lại dự luật dẫn độ để giải quyết khủng hoảng

Thứ hai, chính quyền sẽ ủng hộ việc điều tra của IPCC, cơ quan dân sự độc lập giúp giám sát việc xử lý khiếu nại của cảnh sát Hồng Kông. Trước đó trong bài phát biểu, bà Lâm nói sẽ không thành lập ủy ban điều tra độc lập để xem xét nghi án cảnh sát dùng vũ lực quá mức vì trách nhiệm này thuộc thẩm quyền của IPCC.
Thứ ba, nhà lãnh đạo và các quan chức chính quyền kể từ tháng 9 sẽ có các chuyến đi nhằm đối thoại trực tiếp với người dân để lắng nghe quan điểm và những bất đồng.
Cuối cùng, bà sẽ thành lập một ủy ban gồm các đại diện quần chúng, người lao động, học giả để xác định nguyên nhân gốc rễ của những vấn đề hiện tại ở đặc khu nhằm tìm giải pháp khắc phục.

Trước đó, bà Lâm thông báo tạm gác lại việc xem xét dự luật nhưng phe phản đối cho rằng điều đó là chưa đủ vì nó có thể được mang ra để bỏ phiếu bất cứ lúc nào.

Việc dự luật chính thức bị bãi bỏ đồng nghĩa bà Lâm đã đồng ý với một trong 5 yêu sách mà người biểu tình đề ra, trong đó còn có yêu cầu trả tự do và miễn khởi tố những người bị bắt trong cuộc biểu tình, điều tra độc lập về cáo buộc cảnh sát dùng vũ lực quá mức, ngừng miêu tả người biểu tình là “thành phần bạo động”, bà Lâm từ chức và phổ thông đầu phiếu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.