Lãnh đạo các nước lên tiếng chống lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump

30/01/2017 12:00 GMT+7

Hàng loạt lãnh đạo trên thế giới, bao gồm cả đồng minh thân cận nhất của Mỹ như Anh, đã lên tiếng chống lại sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với cư dân 7 nước Hồi giáo của Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump.

Hãy xem những lãnh đạo thế giới nói gì về sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump:
Thụy Sĩ: Quyết định sai lầm
Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ Didier Burkhalter nói ông Trump đã quyết định sai lầm. Ông tuyên bố: "Chúng tôi luôn chống lại sự phân biệt chống lại con người dựa trên niềm tin hoặc quốc tịch của họ. Theo đó, sắc lệnh của Mỹ rõ ràng là sai trái".
Hà Lan: Chúng tôi chống lại sắc lệnh
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố mọi người tị nạn chạy trốn chiến tranh và bạo lực "đều xứng đáng có một nơi trú ẩn an toàn, bất kể sắc tộc hoặc tôn giáo của họ là gì". Ông tuyên bố Hà Lan chống lại sắc lệnh của Mỹ cấm nhập cảnh với người dân 7 nước Hồi giáo.
Anh: Không đồng ý
Chính phủ Anh ngày 29.1 tuyên bố Thủ tướng nước này, bà Theresa May không đồng ý với lệnh cấm của ông Trump và sẽ can thiệp nếu nó tác động đến công dân Anh.
Chính quyền Anh khẳng định dù nhập cư vào Mỹ là chuyện của nước Mỹ, nhưng "chúng tôi không đồng ý với kiểu giải quyết như thế này và chúng tôi sẽ không hành động như thế".
Thủ tướng Anh Theresa May bảo bà không đồng ý với lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump Reuters
Liên minh châu Âu: Chào đón người tị nạn chiến tranh
Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini tuyên bố sau sắc lệnh của ông Trump rằng EU "sẽ tiếp tục ủng hộ, chào đón và chăm sóc những người chạy khỏi chiến tranh".
Bà nói tiếp: "Chúng tôi sẽ tiếp tục ca ngợi mọi bức tường bị hạ xuống và mọi cây cầu được xây nên. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vì hòa bình và sự cùng tồn tại".
Iran: Sự sỉ nhục trắng trợn
Ngoại trưởng Iran, ông Javad Zarif chỉ trích động thái của ông Trump "là sự sỉ nhục trắng trợn đến thế giới Hồi giáo", nói rằng nó sẽ được ghi vào lịch sử là "một món quà vĩ đại cho những kẻ cực đoan và những người ủng hộ bọn họ".
Theo lời ông Zarif thì hành động của ông Trump sẽ càng giúp các đầu sỏ khủng bố tuyển dụng thêm được nhiều thuộc hạ. Bộ Ngoại giao Iran cũng tuyên bố sẽ trả đũa bằng cách cấm người Mỹ vào Iran, tuy không áp dụng với những người đã có thị thực hợp pháp.
Đức: Không thể vịn cớ chống khủng bố
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng bà Merkel "thấy tiếc vì lệnh cấm nhập cảnh", rằng cho dù cần thiết phải chống khủng bố thì đó cũng không phải là cái cớ để nghi hoặc một bộ phận người dựa trên nguồn gốc hoặc niềm tin của họ.
Indonesia
Hãng thông tấn AFP ngày 29.1 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Indonesia nói rằng Indonesia "thấy vô cùng tiếc" vì lệnh cấm của ông Trump, "bởi chúng tôi tin rằng nó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu cũng như quản lý người di cư".
"Thật là sai trái khi liên kết chủ nghĩa cực đoan và khủng bố với một tôn giáo riêng biệt" - Bộ Ngoại giao Indonesia tuyên bố.
Cũng có những người xuống đường ở Mỹ để ủng hộ ông Trump Reuters
Pháp: Thêm quan ngại
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault tuyên bố:" Chào đón người tị nạn chạy trốn chiến tranh là một phần trách nhiệm của chúng tôi".
Ông nói quyết định của ông Trump "làm chúng tôi thêm quan ngại".

Thụy Điển: Nỗi bất hạnh sâu sắc

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Margot Wallstrom gọi lệnh cấm của ông Trump là "nỗi bất hạnh sâu sắc".
Bà Wallstrom phát biểu: "Quyết định này làm gia tăng sự hồ nghi và căng thẳng giữa người với người. Chưa bao giờ kể từ thời thế chiến thứ 2 có nhiều người phải chạy khỏi các khu vực xung đột và chiến tranh đến thế. Tất cả các nước phải có trách nhiệm chung để giúp đỡ họ, bao gồm cả Mỹ".
Cộng hòa Czech: Lội ngược dòng
Chính quyền Cộng hòa Czech là một trong những nơi hiếm hoi đi ngược lại với luồng dư luận chính thức từ các nước. Phát ngôn viên của Tổng thống Milos Zeman tuyên bố: "Tổng thống Mỹ Trump bảo vệ đất nước của ông ấy. Ông ấy lo lắng cho sự an toàn của các công dân của ông ấy. Đó chính xác là điều các lãnh đạo châu Âu không làm".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.