Láng giềng khó xử

09/02/2018 11:48 GMT+7

Những gì đang xảy ra ở Maldives không chỉ là chuyện tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm cũng như giữa tổng thống và tòa án tối cao mà còn là cuộc khủng hoảng thực sự về chính trị an ninh.

Tổng thống đương nhiệm Abdullan Yameen đã ban bố tình trạng khẩn cấp để đối phó, nhưng rõ ràng đấy chỉ là biện pháp đối phó tình huống chứ không thể là giải pháp lâu bền và dứt điểm cho những vấn đề chính trị - xã hội trên đảo quốc. Do vậy có thể thấy tình trạng bất an, bất ổn trong xã hội và tranh giành quyền lực như hiện nay sẽ còn kéo dài cả âm ỉ lẫn bùng phát công khai.
Cuộc huynh đệ tương tàn ở Maldives đẩy nước láng giềng lớn là Ấn Độ vào tình thế khó xử và rất có thể có lợi cho một đối tác xa là Trung Quốc. Ở Maldives hiện tại đã dấy lên nhiều tiếng nói yêu cầu Ấn Độ đưa quân vào can thiệp để bình ổn tình hình cho lâu dài.
Vào năm 1988, Ấn Độ đã đưa binh lính đến Maldives để chấm dứt cuộc đảo chính chống lại tổng thống đương nhiệm. Từ năm 2009, Ấn Độ có hẳn một căn cứ hải quân ở Maldives. Chuyện can thiệp quân sự thật dễ dàng về kỹ thuật đối với Ấn Độ, nhưng sẽ là cuộc phiêu lưu mạo hiểm về chính trị với hậu quả và hệ lụy không thể lường hết.
Một trong số những hậu quả và hệ lụy có thể tai hại nhất đối với Ấn Độ là làm sâu sắc thêm sự chia rẽ nội bộ ở Maldives, đẩy đảo quốc này ra xa mình hơn và gần Trung Quốc hơn. Bài toán nan giải của Ấn Độ hiện tại là không cần phải can thiệp quân sự trực tiếp như trước đây mà vẫn vãn hồi được ổn định chính trị và trật tự xã hội ở Maldives.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.