'Láng giềng' của Syria trước nguy cơ khủng bố

25/11/2015 08:56 GMT+7

Nhiều người dân Cộng hòa Síp, đất nước nằm ở phía tây Syria, lo sợ nguy cơ đất nước này bị các phần tử khủng bố xâm nhập và tiến hành tấn công.

Nhiều người dân Cộng hòa Síp, đất nước nằm ở phía tây Syria, lo sợ nguy cơ đất nước này bị các phần tử khủng bố xâm nhập và tiến hành tấn công.

Một căn cứ quân sự của Anh ở Síp - Ảnh: ReutersMột căn cứ quân sự của Anh ở Síp - Ảnh: Reuters
Người dân Cộng hòa Síp hiện đang bàn thảo về khả năng cho phép triển khai các căn cứ quân sự của Nga trên đất nước này. Người đứng đầu Trung tâm bảo vệ Chính thống giáo Síp, ông Marius Fotiu, và các nhà hoạt động chính trị khác đã gửi thư thỉnh nguyện tới Tổng thống Cộng hòa Síp Nicos Anastasiades kêu gọi ông yêu cầu Nga hỗ trợ phòng chống khủng bố. Nhằm hỗ trợ sáng kiến của mình, tổ chức này bắt đầu thu thập chữ ký ủng hộ của công dân Síp.
Trong thư thỉnh nguyện gửi Tổng thống Síp, các nhà hoạt động nhấn mạnh rằng họ đã không nhìn thấy “kết quả mong muốn” từ những nỗ lực của NATO trong các hoạt động chống khủng bố.
Thư thỉnh nguyện có đoạn: “Những kẻ khủng bố đe dọa tất cả các quốc gia. Đất nước Cộng hòa Síp của chúng ta lại không may rơi vào khu vực nguy hiểm nhất. Không một quốc gia nào thuộc Liên minh châu Âu nằm quá gần khu vực chiến sự như Síp. Syria cách chúng ta chỉ vài trăm km qua một dải biển hẹp."
Hiện tại, đảo Síp chia thành hai phần, phần có diện tích lớn hơn, ở phía Nam, là Cộng hòa Síp, với tuyệt đại đa số cư dân gốc Hy Lạp theo Chính thống giáo, và phần nhỏ hơn ở phía Bắc có danh xưng là Cộng hòa Bắc Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ với đa số cư dân gốc Thổ theo đạo Hồi. Cộng hòa Bắc Síp chưa được Liên Hiệp Quốc và Liên minh châu Âu thừa nhận.
Theo nhận định của các nhà quan sát, nguy cơ bị tấn công khủng bố ở Cộng hòa Síp (theo Chính thống giáo) là rất cao. Hiện nay giữa hai nước cộng hòa này không có đường biên giới rõ rệt, không có các trạm biên phòng cửa khẩu, người dân hai nước tự do qua lại “biên giới” mà không cần hộ chiếu. Các chuyên gia nhận xét rằng từ Syria, các phần tử khủng bố có thể dễ dàng vượt mấy trăm km đường biển để tới phần đất Hồi giáo phía Bắc đảo Síp rồi từ đó tổ chức tấn công khu vực Chính thống giáo ở phía Nam.
Cho đến nay, Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về khả năng triển khai các căn cứ quân sự tại Síp. Các nhà quan sát cho rằng trong bối cảnh Cộng hòa Síp đang tìm mọi cách gia nhập NATO thì việc tổng thống nước này thỉnh cầu Nga “che chở” là điều rất khó xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.