Làm đẹp - từ thời hoàng kim đến suy thoái

04/01/2009 23:04 GMT+7

Sau thời hoàng kim, ngành phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc đang xuống dốc. Suy thoái kinh tế đã buộc nhiều người từ bỏ "cơn nghiện" làm đẹp bằng dao kéo.

Khi nhà nhà sửa sắc đẹp

Phẫu thuật thẩm mỹ đã trở nên phổ biến tại Hàn Quốc sau khi nền kinh tế nước này phục hồi một cách thần kỳ từ cuộc khủng hoảng tiền tệ cách đây 1 thập niên. Mức sống ngày càng được nâng cao đã cho phép người dân tại xứ sở nhân sâm, từ thiếu nữ 18 tuổi đến bậc cha chú trên 50, đều nô nức đua nhau đến thẩm mỹ viện để cắt mắt, nâng mũi, bơm chỗ cần bơm và hút chỗ cần hút. Nếu con cái muốn chứng tỏ lòng hiếu hỉ đối với cha mẹ? Hãy mua các suất làm đẹp tại thẩm mỹ viện tặng các cụ.

Lý do thì muôn hình vạn trạng. Thanh thiếu niên ở độ tuổi trên dưới 20 kéo đến thẩm mỹ viện để đăng ký một suất chieop seonghyeong, nghĩa là "thẩm mỹ tìm việc", được thiết kế đặc biệt tùy yêu cầu của từng cá nhân nhằm gia tăng cơ hội trúng tuyển khi nộp đơn xin việc. Ahn Yun-Seon là một thí dụ điển hình. Theo Báo Independent, cô sinh viên khoa kinh tế 21 tuổi này đã vay cha mẹ số tiền 1 triệu won (khoảng 13 triệu đồng) để chỉnh sửa lại phần lợi và lỗ tai trước khi đi phỏng vấn xin việc tại một ngân hàng. "Nữ nhân viên ngân hàng thường phải cột tóc gọn gàng. Nên điều quan trọng nhất là bạn phải có đôi tai đẹp và nụ cười duyên dáng", cô giải thích. Bác sĩ Kim Sung-Min, thuộc thẩm mỹ viện Imi tại Seoul, cho hay gần 30% khách hàng của ông muốn "thay đổi hình dạng" trước cuộc phỏng vấn xin việc. Các bộ phận được chỉnh sửa chủ yếu là tai, mắt, mũi, lông mày, và thậm chí có người còn muốn bác sĩ tiêm botox vào dây thanh quản để tránh tình trạng bị rung giọng khi quá hồi hộp.

Ngoài yếu tố thẩm mỹ, không ít người nhờ cậy đến bàn tay bác sĩ để chỉnh sửa những phần không "đẹp" theo quan niệm của nhân tướng học. Đó là trường hợp của bà nội trợ Kim Eun-young. Theo Báo International Herald Tribune, bà này đã quyết định đi bơm phần má với hy vọng nhờ đó mà chuyện làm ăn của chồng phát đạt. "Người ta nói tài lộc của vợ chồng đi liền với nhau. Nhưng phần má của tôi lép quá và có đến 2 thầy tướng số phán rằng chính vì vậy mà tiền bạc cứ chảy khỏi túi", bà Kim trần tình. Một bác sĩ tên Lee Won-suk thừa nhận cứ 10 bệnh nhân thì có 1 người đến thẩm mỹ với hy vọng biến đổi số mệnh. Đặc biệt các bà các cô thường cắt mắt và bơm môi mọng, với phần môi trên và môi dưới bằng nhau, để mong cầu hạnh phúc và tình yêu sẽ đến. Với những người muốn rũ bỏ vận rủi đang đeo bám, các thầy bói sẽ lập tức khuyên họ đến thẩm mỹ viện xóa đốm đen trên mặt, đặc biệt phần dưới đôi mắt, vốn được cho là dấu hiệu báo trước một tương lai cô độc và đầy nước mắt.

Cách đây vài năm, nam giới xứ Hàn cũng đua nhau đi tân trang nhan sắc để cho nghề nghiệp thăng tiến, tình yêu nảy nở... Anh Park Hyo-jung đã trải qua 24 lần chỉnh sửa trong hơn 3 năm cho một mục đích duy nhất: kiếm được bạn gái, theo hãng tin AP. Đến khi tin tức tổng thống lúc đó là ông Roh Moo-hyun đi cắt mắt 2 mí, căng da nhanh chóng lan ra từ Nhà Xanh, rào cản cuối cùng khiến nam giới lớn tuổi không đến thẩm mỹ viện đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Bác sĩ Wee Sung-yun, người tiến hành 6 cuộc phẫu thuật cuối cùng cho anh Park Hyo-jung, cho biết vào năm 2006, khoảng 1/3 khách hàng của ông là nam giới.

Tiêu điều vì suy thoái

Trong lúc đang phất lên như diều gặp gió với doanh thu 500 triệu USD mỗi năm, ngành phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc đã trở thành nạn nhân mới nhất của tình trạng suy thoái kinh tế. Theo Báo New York Times dẫn nguồn từ hãng tư vấn ARA tại Seoul, các báo cáo từ thẩm mỹ viện và báo chí địa phương cho thấy số khách hàng đã giảm 40% từ tháng 9 năm ngoái đến nay. Cũng theo ARA, ước tính 30% phụ nữ Hàn Quốc từ 20 đến 50 tuổi (khoảng 2,4 triệu người) từng chỉnh sửa sắc đẹp, dù phẫu thuật hay không phẫu thuật. Nay nhiều người trong số đó đành phải từ bỏ thói quen chăm chút sắc đẹp theo kiểu này.

Quận Apgujeong tại Seoul, nơi tập trung hơn 50% viện thẩm mỹ tại Hàn Quốc, đang chứng kiến cảnh thoái trào, với hơn 20 viện đã đóng cửa vì làm ăn thua lỗ. Một bác sĩ tên Park Hyun có văn phòng tại Apgujeong, nơi được mệnh danh là thánh địa Mecca của ngành phẫu thuật thẩm mỹ châu Á, dự đoán sẽ có 1/3 số viện thẩm mỹ tại đây phải đóng cửa trong đầu năm 2009. Bản thân bác sĩ Park cũng buồn bã cho biết lượng khách hàng của ông đã giảm đi một nửa, buộc ông phải sa thải nhân viên. Giờ đây, các thẩm mỹ viện đành phải xuống giá. Thay vì trước đó thuyết phục các nữ khách hàng bơm ngực, hút mỡ để kiếm được nhiều tiền hơn, bây giờ các bác sĩ sẵn sàng làm đủ mọi chuyện dù nhỏ nhặt nhất, như tẩy nốt ruồi chẳng hạn, và hy vọng nền kinh tế sẽ sáng sủa hơn trong năm mới.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.