Lá chắn sơn cước của Ấn Độ

18/07/2014 09:00 GMT+7

Chịu trách nhiệm bảo vệ biên giới tại Himalaya, quân đoàn tinh nhuệ mới thành lập của Ấn Độ đối mặt nguy cơ khủng hoảng do thiếu ngân sách.


Ấn Độ đang nỗ lực bồi đắp tuyến phòng thủ dọc theo LAC - Ảnh: Reuters 

Khi thực hiện nghi lễ kéo cờ mang huy hiệu mới tại căn cứ Ranchi vào đầu năm 2014, tư lệnh đầu tiên của Quân đoàn 17 là thiếu tướng Raymond Joseph Noronha đã chính thức khởi động lá chắn phòng thủ được chờ đợi lâu nay trong nỗ lực bảo vệ đường biên giới kéo dài 4.056 km chạy dọc theo dãy Himalaya, bắt đầu từ vùng Ladakh ở phía tây đến bang Arunachal Pradesh. Trước năm 2014, trong số 13 quân đoàn, Ấn Độ có 3 quân đoàn tấn công là 1, 2 và 21 lần lượt được đóng tại Mathura, Ambala và Bhopal, tất cả đều nhằm bảo vệ biên giới phía tây giáp Pakistan, nhưng vẫn chưa có đơn vị chuyên trách biên giới phía bình nguyên Tây Tạng. Do đó, Quân đoàn 17, tên đầy đủ là Quân đoàn Tấn công sơn cước 17, cũng là đơn vị tinh nhuệ đầu tiên chuyên trị địa hình núi non, được huấn luyện và trang bị vũ khí hiện đại để đánh trả bất cứ hoạt động xâm nhập dọc theo Đường Kiểm soát thực tế (LAC) với nước láng giềng.

LAC được chia làm 3 phần. Phần phía tây ở Ladakh, kế đến là phần trung tâm dọc theo biên giới Uttarakhand - Tây Tạng, phần phía đông ở Sikkim và Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc đang tranh chấp 90.000 km2 trong địa phận thuộc quyền quản lý của chính quyền New Delhi. Vào đầu năm 2009, quân đội Ấn Độ triển khai 2 sư đoàn đến Arunachal Pradesh để tăng cường phòng phủ phía tây, trong khi phần trung tâm vẫn lỏng lẻo. Do vậy, nhiệm vụ của Quân đoàn 17, với tổng hành dinh đặt tại Panagarh ở bang Tây Bengal, là kéo quân vào Tây Tạng và đoạt lấy phần lãnh thổ của lân bang tại đây trong trường hợp lãnh thổ của Ấn Độ bị xâm chiếm, theo phân tích của trang The Diplomat.

Kế hoạch đắt đỏ

Tờ The Times of India cho hay mục tiêu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ là biến quân đoàn gồm 80.000 người thành một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất, được trang bị vũ khí tối tân nhất trong toàn bộ quân đội. Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề trên địa hình vô cùng khó khăn của dãy Himalaya, quân đoàn này bao gồm 2 sư đoàn bộ binh chuyên tác chiến trên vùng núi cao, 2 lữ đoàn bộ binh độc lập, 2 lữ đoàn thiết giáp với khoảng 90 xe tăng, cùng trung đoàn pháo binh được trang bị vũ khí hiện đại, như pháo dã chiến siêu nhẹ nòng 155 li của Mỹ. Quân đoàn 17 cũng sẽ được giao hẳn các phi đội trực thăng tấn công, vận chuyển và các máy bay không người lái. Theo đó, các máy bay vận tải chiến lược C-130J, vừa được Mỹ chuyển giao, được đặt tại Panagarh, sẵn sàng cho các sứ mệnh điều động khẩn cấp lực lượng đến vùng núi.

Tuy nhiên, theo kế hoạch, phải mất nhiều năm để xây dựng hoàn chỉnh Quân đoàn 17, có nghĩa là lực lượng này chỉ đạt được sức mạnh thực sự vào giai đoạn 2019 - 2020. Tờ Business Standard dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho hay tổng chi phí xây dựng lực lượng dự kiến vào khoảng 10,7 tỉ USD trong 8 năm nữa, với mỗi năm thêm ít nhất 1,3 tỉ USD để mua vũ khí và huấn luyện. Hiện Bộ Tài chính Ấn Độ tỏ ra không mặn mà lắm khi được yêu cầu hỗ trợ Quân đoàn 17 và các nhà phân tích quân sự cho hay trang thiết bị cũng như vũ khí mới sẽ không sớm được chuyển giao do thiếu ngân sách.

Để so sánh lực lượng, đối đầu với Quân đoàn 17 là đội quân gồm hơn 300.000 người ở bên kia giới tuyến. Hệ thống đường sá được phát triển tốt tại Vùng tự trị Tây Tạng đồng nghĩa với việc quân đội của đối thủ tiềm tàng có thể được điều động mau lẹ một khi nổ ra xung đột. Ở khu vực này, Trung Quốc cũng có ít nhất 5 căn cứ không quân đã được triển khai hoàn chỉnh, một hệ thống xe lửa trải rộng và hơn 58.000 km đường bộ, cho phép khoảng 15 sư đoàn điều động nhanh chóng, theo phân tích của tờ The Times of India. Trước tình hình trên, chính quyền New Delhi ngày 15.7 đã quyết định bật đèn xanh cho việc xây dựng các cơ sở hạ tầng chiến lược khác dọc theo LAC, bao gồm các chốt và cơ sở quân sự, bên cạnh các dự án xây dựng đường sá trong phạm vi 100 km cách LAC, cũng vừa được thông qua. Tuy nhiên, nếu không vượt qua thách thức về ngân sách, Quân đoàn 17 đối mặt với viễn cảnh mờ mịt và khó hoàn thành nhiệm vụ như kỳ vọng.

Ấn - Trung nỗ lực giải quyết tranh chấp

Bên lề hội nghị cấp cao khối các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ở Brazil mới đây, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp kéo dài 80 phút. Cả hai cam kết đẩy mạnh hợp tác thương mại song phương và tìm cách giải quyết tranh chấp biên giới kéo dài giữa hai nước, theo AFP dẫn thông báo của chính phủ Ấn Độ. Ông Modi còn nhấn mạnh đến nhu cầu tìm giải pháp và duy trì nền hòa bình cũng như sự bình yên dọc biên giới Ấn - Trung. Nhiều vòng đối thoại giữa hai nước đã được tiến hành trong thời gian qua song vẫn chưa thể phân định ranh giới rõ ràng. Quân đội hai nước thường hay có xung đột dọc LAC.

Danh Toại

Thụy Miên

>> Ấn Độ, Bangladesh xử lý tranh chấp bằng luật pháp quốc tế
>> Ấn Độ và Bangladesh kết thúc tranh chấp biển theo UNCLOS
>> Trung Quốc, Ấn Độ tăng cường hợp tác quân sự
>> Ấn Độ huấn luyện quân sự cho cư dân sống sát Trung Quốc
>> Ấn Độ nổi đóa vì bị Mỹ do thám

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.