World Cup 2018: Ai sẽ kiếm được tiền và bao nhiêu?

17/06/2018 16:07 GMT+7

Giải vô địch bóng đá thế giới lần thứ 21 đã chính thức bắt đầu hôm 14.6 tại Moscow (Nga), ước tính sẽ có hàng tỉ người trên toàn cầu theo dõi giải đấu uy tín này.

World Cup là sự kiện bóng đá hấp dẫn nhất và tốn kém nhất bởi vì những nước muốn tổ chức giải đấu này ít nhất phải bỏ ra từ 10 tỉ USD trở lên. World Cup 2018, với sự tham gia của 32 đội bóng, sẽ được tổ chức tại 11 thành phố của Nga. Theo USA Today, việc xây dựng và chuẩn bị cho giải đấu đã tiêu tốn 11,8 tỉ USD của Nga, hơn 70% trong số đó đến từ nguồn tài chính công. Tổng giá trị tiền thưởng cho tất cả các giải trong mùa bóng năm nay vào khoảng 400 triệu USD, theo FIFA. Cụ thể, mỗi đội tham dự World Cup 2018 sẽ nhận được 1,5 triệu USD làm chi phí tham dự. 16 đội bị loại tại vòng bảng sẽ nhận được 8 triệu USD/đội. Đội vô địch sẽ nhận được tiền thưởng lên tới 38 triệu USD.
Bê bối của FIFA
Thành lập vào đầu những năm 1900, FIFA được chỉ định một cách hợp pháp là tổ chức phi lợi nhuận, nhưng thực tế lợi nhuận trung bình mà họ thu về lại lên tới hàng trăm triệu USD mỗi năm. Trước khi World Cup 2018 khai mạc, FIFA liên tục phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ. Theo CNBC, năm 2015, nhiều quan chức cấp cao của FIFA đã bị cáo buộc tham nhũng và hối lộ. Bộ Tư pháp Mỹ trong cùng năm đó đã truy tố 41 quan chức FIFA, lãnh đạo chính phủ, bao gồm các cựu tổng thống và tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ của Costa Rica, El Salvador, Guatemala, Honduras, Nicaragua và Panama, cùng với giám đốc điều hành của các công ty với cáo buộc gian lận và rửa tiền. Hiện Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) vẫn tiếp tục điều tra FIFA trong ba năm qua.
Chỉ trích càng thêm nặng nề khi có ý kiến cho rằng World Cup là cách để các nhà lãnh đạo đánh bóng tên tuổi của mình. Một ví dụ điển hình về một lãnh đạo tai tiếng trở thành nhà hảo tâm cho giải đấu là Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo Cộng hòa tự trị Chechnya. Tờ New York Times và Tổ chức Theo dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) đang xem xét chặt chẽ cách ông Kadyrov sử dụng đội bóng quốc gia Ai Cập và cầu thủ siêu sao Mohamed Salah để nâng cao hình ảnh bản thân. Mỹ đã đóng băng tài sản của ông Kadyrov vào tháng 12.2017, đưa ông vào danh sách chịu các biện pháp trừng phạt liên quan đến lạm dụng nhân quyền. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, với sự cai trị của mình, ông Kadyrov đã gây ra “sự đàn áp lên gần như toàn bộ các nhà phê bình, nhà báo và người thuộc cộng đồng LGBT”.
Chi phí nước chủ nhà bỏ ra là bao nhiêu?
Đội bóng của các nước tổ chức World Cup sẽ tự động có đủ điều kiện để tham gia giải đấu, nhưng đi kèm với đó là gánh nặng về kinh tế cho nước chủ nhà. Xét về điều kiện đăng cai World Cup, FIFA yêu cầu hồ sơ dự thầu phải bao gồm các khoản miễn thuế lớn cho các cơ quan quản lý, các địa điểm tổ chức và các đối tác của FIFA có liên quan đến giải đấu. Đức đã đề nghị miễn 272 triệu USD giá trị thuế khi nước này tổ chức World Cup 2006. Nam Phi và Brazil cũng lần lượt đưa ra đề nghị tương tự để được quyền đăng cai tổ chức World Cup 2010 và World Cup 2014.
Brazil đã chi khoảng 15 tỉ USD để xây dựng sân vận động và giao thông, cùng những cơ sở hạ tầng khác phục vụ World Cup 2014. Sân vận động Mane Garrincha có chi phí xây dựng được xếp loại đắt nhất thế giới, với số tiền lên đến 550 triệu USD, nhưng sau giải đấu nó đã trở thành bãi đậu cho xe buýt. Nga có thể không tiêu tốn 51 tỉ USD như nước này từng chi cho Thế vận hội mùa đông 2014 ở Sochi, nhưng chi phí tổ chức World Cup 2018 không phải là con số khiêm tốn, báo cáo gần đây nhất cho thấy Nga đã bỏ ra gần 12 tỉ USD và số tiền này sẽ còn tiếp tục tăng.
Các quan chức nhà nước Nga tuyên bố World Cup sẽ tăng thêm khoảng từ 26 tỉ USD đến 31 tỉ USD cho nền kinh tế quốc gia. Arkady Dvorkovich, cựu phó thủ tướng Nga, nói rằng hoạt động kinh doanh chuẩn bị cho World Cup đã thêm khoảng 14 tỉ USD vào GDP của đất nước, tương đương 1%, và khoảng 200.000 việc làm. Tuy nhiên, giới quan chức đã không xác định cụ thể các khoản đóng góp riêng biệt từ sự kiện thể thao này cho nền kinh tế Nga, một vấn đề đang gây tranh cãi giữa các nhà phê bình của nhà nước.
Và đây mới là người thực sự kiếm được tiền
FIFA đã thu về 4,8 tỉ USD doanh thu từ World Cup 2014, trong đó lợi nhuận là 2,6 tỉ USD. Phát sóng đứng đầu các khoản doanh thu với 2,43 tỉ USD, trong khi tiền tài trợ và tiền bán vé mang lại các khoản tương ứng là 1,6 tỉ USD và 526 triệu USD.
World Cup 2018 dự kiến sẽ mang về khoảng 6 tỉ USD doanh thu cho FIFA, tăng 25% so với năm 2014. Ước tính với khoảng 3,2 tỉ người xem giải đấu, doanh thu phát sóng dự kiến sẽ tăng lên 3 tỉ USD.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.