Tổng thống Donald Trump chỉ trích OPEC vì giá dầu cao

15/06/2018 18:48 GMT+7

Đây là lần thứ hai trong hai tháng qua Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

"Giá dầu quá cao, OPEC lại tiếp tục tăng giá. Không tốt!”, ông Trump viết trên Twitter hôm 13.6.
Giá dầu của Mỹ đã tăng lên mức 72 USD/thùng vào tháng trước. Giá xăng trung bình quốc gia đã tăng 25% trong năm qua lên 2,9 USD/gallon, theo AAA Gas Prices.
“Ông Trump chắc chắn cảm thấy áp lực bởi vì người Mỹ thích giá xăng tương đối thấp”, Patrick DeHaan, chuyên gia phân tích xăng dầu cao cấp tại GasBuddy, trang web giúp người tiêu dùng xem giá xăng theo thời gian thực, nói.
Thất vọng bởi giá dầu thấp và sự suy yếu của dầu thô, OPEC đã cắt giảm sản xuất vào đầu năm 2017. Chiến lược này cuối cùng đã giúp giảm lượng cung dư thừa. Giá dầu thô đã tăng gần gấp ba lần từ mức thấp 26 USD/thùng hồi đầu năm 2016. Chiến lược của OPEC sẽ không hiệu quả nếu Nga không hợp tác để cắt giảm sản lượng. Tuy nhiên, dòng tweet của ông Trump lại không nhắm vào Moscow. Và có lẽ ông Trump cũng cần lưu ý rằng chính chính sách thương mại của ông cũng góp phần đưa giá dầu trở lại ngưỡng 70 USD/thùng.
Tháng trước, ông Trump đã thề sẽ rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt “mạnh mẽ” lên nhà sản xuất dầu lớn thứ năm thế giới. Lệnh trừng phạt sẽ loại bỏ hàng trăm nghìn thùng dầu thô Iran vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang tiêu hao nhiều dầu hơn. Chính quyền ông Trump cũng cân nhắc áp đặt các biện pháp trừng phạt dầu thô Venezuela. Và điều này có khả năng làm sản lượng dầu của quốc gia Nam Mỹ giảm sút .
OPEC sẽ bơm nhiều dầu hơn?
Nhà Trắng có lẽ đang hy vọng Nga và OPEC sẽ đảo ngược kế hoạch trong cuộc họp vào cuối tuần tới ở Vienna (Áo) bằng cách đồng ý bơm thêm dầu thô. Tháng trước, giá dầu đã giảm khi Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út, ông Khalid Al-Falih, nói với CNN rằng Ả Rập Xê Út và Nga có thể cung cấp thêm dầu “trong tương lai gần”. OPEC đã bác bỏ thông tin chính quyền ông Trump yêu cầu nhóm này tăng sản lượng.
“Mỹ rất quan trọng đối với chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa nhận được bất kỳ thông tin chính thức nào, hoặc thậm chí là thông tin không chính thức, từ chính quyền ông Trump”, Suhail Al Mazrouei, người đứng đầu OPEC, cho biết.
Cân bằng hành động cho OPEC
Những người theo dõi OPEC nói nhóm này biết rằng giá dầu có thể lên cao đến nỗi làm tổn thương nhu cầu.
“OPEC không muốn giá dầu tăng vọt lên 100 USD một lần nữa. OPEC đang cố gắng tìm một giải pháp mà ở đó mọi người đều có lợi”, Brian Kessens, giám đốc danh mục đầu tư tại công ty đầu tư năng lượng Tortoise, cho hay.
Việc phục hồi thị trường dầu thô đã giúp các quốc gia OPEC sửa chữa thiệt hại do tình trạng dư thừa gây ra cho ngân sách của họ. Ả Rập Xê Út cũng hy vọng sẽ tăng hàng trăm tỉ USD bằng cách phát hành cổ phiếu của nhà khai thác dầu mỏ quốc doanh Saudi Aramco lần đầu ra công chúng dự kiến vào năm sau.
“Họ sẽ làm tổn thương IPO của chính họ bằng cách đẩy giá dầu xuống? Đó là một câu hỏi khó”, ông DeHaan nói.
Những lời phàn nàn của ông Trump về giá dầu cho thấy nguy cơ giá xăng cao hơn sẽ làm hỏng lợi ích từ việc cắt giảm thuế của đảng Cộng hòa. AAA Gas Prices ước tính các lái xe ở Mỹ đang chi tiêu thêm 69 USD mỗi tháng tiền xăng so với mùa hè năm ngoái. Theo Morgan Stanley, khoảng một phần ba lợi ích trực tiếp của luật thuế có thể bị xóa vì giá xăng tăng cao.
Phục hồi thị trường dầu là điều tuyệt vời cho Texas
Không giống như Ả Rập Xê Út, ông Trump không thể thay đổi thị trường dầu bằng cách yêu cầu các công ty Mỹ bơm thêm dầu. Trên thực tế, phục hồi thị trường dầu là sự thúc đẩy lớn cho các bang đã bỏ phiếu cho ông Trump trong đợt bầu cử năm 2016, bao gồm Texas và Oklahoma. Sản lượng đã tăng vọt tại lưu vực Permian, mỏ dầu đá phiến khổng lồ ở Tây Texas và New Mexico.
“Các nhà sản xuất dầu đá phiến đã trở lại một cách rầm rộ. OPEC đã giúp nền kinh tế Mỹ nhiều hơn ông Trump muốn thừa nhận”, Michael Tran, nhà chiến lược năng lượng toàn cầu tại RBC Capital Markets, nói.
Bên cạnh việc gây khó chịu với OPEC, ông Trump chỉ có những lựa chọn hạn chế. Có một khả năng là chính quyền của ông sẽ khai thác Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR), kho dự trữ dầu thô khẩn cấp mà ông Trump dùng tới sau siêu bão Harvey đổ bộ vào Mỹ hồi năm ngoái. Tuy nhiên, các nhà phân tích năng lượng cho rằng hiện tại không có trường hợp khẩn cấp nào để biện minh cho cách hành động như vậy.
“SPR không phải là vũ khí chính trị để giảm giá dầu trước cuộc bầu cử giữa kỳ”, ông DeHaan nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.