H&M cố bán hàng tồn kho 4 tỉ USD trong mùa hạ giá

Thu Thảo
Thu Thảo
01/07/2018 22:13 GMT+7

Giữa ngành bán lẻ đang có nhiều vấn đề, hãng thời trang Thụy Điển H&M phải giải bài toán khó: giải quyết số đồ tồn kho trị giá đến 4 tỉ USD.

Theo CNN, hôm 29.6, H&M thông báo giá trị số hàng ế ẩm tăng vọt trong quý gần nhất đến 36 tỉ kronor Thụy Điển, tương đương 4 tỉ USD. Con số này tăng 13% so với năm ngoái. Khối lượng quần áo chưa bán tăng mạnh trong vài năm qua vì tăng trưởng doanh số hãng thấp hơn dự báo. Điều này cũng khiến lợi nhuận hạ xuống 28% trong nửa đầu năm 2018.
“Vấn đề tồn kho đã phát triển thành vấn đề rất lớn với công ty”, nhà phân tích Adam Cochrane tại ngân hàng Citi cho biết. H&M cho biết họ sẽ triển khai một loạt chiến lược, trong đó bao gồm bán hàng để giảm dần lượng hàng tồn kho.
Cochrane cho hay công ty sẽ giảm giá tại các thị trường mà người tiêu dùng phản hồi doanh số, cả doanh số tại cửa hàng và doanh số trực tuyến. Công ty cũng có thể bán hàng tồn kho cho các nhà bán lẻ hoạt động tại những nước mà H&M không có cửa hàng.
Trong khi một số nhà đầu tư có thể đề nghị cách tiếp cận mạnh mẽ hơn để giải quyết hàng tồn, ông Cochrane cho rằng doanh nghiệp sẽ muốn theo đuổi một cách tiếp cận cân bằng. “Chuyện giảm giá để bán hàng tồn khả thi nhưng nó đi kèm với rủi ro danh tiếng thương hiệu. Các giám đốc muốn ngăn việc người tiêu dùng xem H&M là thương hiệu được dẫn dắt bởi chuyện giảm giá”, ông Cochrane.
H&M cho biết quần áo sẽ được quyên góp cho tổ chức từ thiện, hoặc tái chế nếu nó không thể bán được. Vấn đề của H&M không chỉ gói gọn trong chuyện quần áo tồn kho mà còn nằm ở mảng bán hàng trực tuyến. Giới phân tích cho rằng doanh nghiệp chậm trong doanh số bán hàng trực tuyến song hiện đang nỗ lực bắt kịp. Cổ phiếu H&M giảm 18% từ đầu năm đến nay.
“Nửa đầu năm nay có phần khó khăn, thách thức nhiều hơn chúng tôi nghĩ. Nhưng chúng tôi tin rằng đang có sự cải thiện dần dần, và chúng tôi sẽ có nửa cuối năm mạnh mẽ hơn”, CEO H&M Karl-Johan Persson cho hay.
Các nhà bán lẻ toàn cầu đang chịu áp lực từ việc người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm, và các hãng thương mại điện tử như Amazon và Asos đang đi lên. Hãng Moody’s cho biết trong báo cáo công bố hồi tháng 4 rằng vỡ nợ trong ngành bán lẻ chạm mốc cao kỷ lục trong ba tháng đầu năm 2018, trong bối cảnh sức hút của thương mại điện tử đi lên còn sức hút của trung tâm mua sắm lao dốc tiếp tục ăn mòn lợi nhuận.
Công ty đang chật vật Sears cùng hãng đã phá sản Claire là một trong 9 nhà bán lẻ vỡ nợ trong quý 1/2018, bất chấp nền kinh tế đang khỏe mạnh. Ở Anh, cửa hàng bách hóa John Lewis cảnh báo đầu tuần rằng lợi nhuận của họ sẽ thấp hơn đáng kể so với năm ngoái. Marks & Spencer công bố tháng trước rằng sẽ đóng cửa 100 cửa hàng vào năm 2022.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.