Hàng chục nền kinh tế bên bờ nguy cơ vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc

Thu Thảo
Thu Thảo
08/07/2018 10:26 GMT+7

Các nền kinh tế châu Á như Đài Loan, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á có thể bị ảnh hưởng nặng nề nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không thôi leo thang.

Theo CNN, Mỹ phát pháo đầu tiên hôm nay 6.7 bằng cách áp thuế quan lên 34 tỉ USD giá trị 818 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Trung Quốc liền sau đó tuyên bố đánh thuế quan đáp trả trên lượng hàng hóa Mỹ tương xứng. Đợt đánh thuế “ăn miếng trả miếng” có thể tiếp tục, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với báo giới ông sẽ cân nhắc đánh thuế bổ sung 500 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc nếu Đại lục trả đũa.
Đài Loan, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á, chẳng hạn như Singapore và Malaysia, thuộc hàng các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều nhất. Điều này khiến họ dễ bị tổn thương khi thương mại toàn cầu bị đe dọa.
Nhà kinh tế trưởng Taimur Baig tại DBS Bank ở Singapore cho hay: “Với sự cởi mở của thương mại và tiếp xúc với chuỗi cung ứng, kịch bản rủi ro kéo theo này không chần chừ việc bao gồm cả Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan”. Ông Baig ước tính rằng tăng trưởng Singapore có thể giảm 0,8% trong trường hợp “chiến tranh thương mại toàn diện”, được định nghĩa là nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế quan từ 15-25% lên toàn bộ số hàng hóa được giao thương. Quốc gia Đông Nam Á dự kiến tăng trưởng 3% trong năm nay.
Đài Loan và Malaysia có thể có mức tăng trưởng trong năm nay bị giảm 0,6% so với mức được dự báo lần lượt là 2,8% và 5%. Hàn Quốc thì có thể giảm 0,4% tăng trưởng từ mức 2,9% hồi năm 2017. Hai nước đang là trung tâm trong căng thẳng thương mại leo thang là Mỹ và Trung Quốc sẽ thiệt hại khoảng 0,25% tăng trưởng.
Nhiều nền kinh tế châu Á xuất khẩu hàng hóa trung gian sang Trung Quốc. Loại hàng này sau đó được lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để vận chuyển đến các điểm đến cuối cùng như Mỹ, nhà kinh tế châu Á Gareth Leather tại Capital Economics cho biết. Ví dụ về hàng hóa trung gian là mặt hàng chip bán dẫn và màn hình. Những thành phần này thường được sản xuất tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp châu Á, trước khi được chuyển đến Trung Quốc để lắp ráp vào các sản phẩm như điện thoại di động hay máy tính.
Vòng đánh thuế quan đầu tiên không nhắm vào “các loại hàng hóa thường được người tiêu dùng Mỹ mua, chẳng hạn như điện thoại di động và tivi”, theo Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Song nếu thuế quan ở các vòng tiếp theo dẫn đến sự sụt giảm về xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, sẽ có tác động dây chuyền xảy ra trên phần còn lại của châu Á, giới phân tích thuộc ngân hàng JPMorgan cảnh báo.
[VIDEO] Công ty khởi nghiệp 'điêu đứng' nếu Mỹ cấm đầu tư Trung Quốc
Mối đe dọa căng thẳng thương mại đến giữa lúc các thị trường mới nổi, trong đó có các thị trường ở châu Á, đang đối mặt với dòng vốn thoái và nội tệ suy yếu. Đơn cử đến cuối ngày 5.7, đô la Đài Loan hạ 2,9% so với USD kể từ đầu năm đến nay, won Hàn Quốc giảm 4,9% cùng kỳ. Tại Đông Nam Á, đô la Singapore đã giảm 2% trong năm trong khi ringgit Malaysia thì giảm nhẹ chỉ 0,07%.
Song đến khi tất cả các mặt hàng bị đặt mục tiêu đánh thuế được công bố, rất khó để định lượng tác động thực sự mà các nền kinh tế châu Á phải gánh. Thiệt hại có thể nhỏ hơn dự kiến vì Trung Quốc là nhà cung ứng chính của nhiều sản phẩm mà nước này bán cho Mỹ.
Người Mỹ cũng chịu tác động không nhỏ, chuyên gia Leather cho hay: “Người tiêu dùng Mỹ sẽ chật vật để tìm đủ sản phẩm thay thế hàng hóa mà họ đang mua từ Trung Quốc, ít nhất là trong ngắn hạn. Hơn nữa, về mặt tận dụng cơ hội chỗ trống, các nước xuất khẩu châu Á có khả năng hưởng lợi nếu Mỹ thay đổi hướng nhu cầu. Cho đến khi chúng ta biết chính xác hàng hóa nào bị nhắm đến, chúng ta không thể tính toán tác động lên phần còn lại của kinh tế châu Á”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.