Các lệnh trừng phạt nào vẫn sẽ kìm chân kinh tế Triều Tiên?

Thu Thảo
Thu Thảo
14/06/2018 08:48 GMT+7

Sau ồn ào hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, một loạt biện pháp trừng phạt quốc tế áp lên Triều Tiên được chú ý trở lại.

Theo CNN, Mỹ thúc đẩy một loạt quyết định của Liên Hiệp Quốc hồi năm ngoái, đẩy mạnh đáng kể áp lực lên kinh tế Triều Tiên để đáp trả chương trình thử nghiệm vũ khí hạt nhân của quốc gia châu Á.
Trung Quốc, nước chiếm phần lớn thương mại nước ngoài của Triều Tiên, cho biết họ thực hiện một số biện pháp trừng phạt dù tuyên bố này bị một số nhà phân tích hoài nghi. Sau hội nghị thượng đỉnh diễn ra hôm 12.6 ở Singapore, Trung Quốc gửi thông điệp ngầm rằng các biện pháp trừng phạt vẫn có thể tiếp tục tồn tại sau khi lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên gặp nhau.
“Các quyết định có liên quan của Liên Hiệp Quốc dựa trên cách Triều Tiên tuân thủ và thực hiện quyết định, các biện pháp trừng phạt có thể theo đó mà được điều chỉnh, trong đó bao gồm việc đình chỉ hoặc dỡ bỏ các biện pháp có liên quan”, theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuang.
Ông Trump nói tại buổi họp báo ở Singapore rằng các lệnh trừng phạt sẽ chỉ được dỡ bỏ “khi chúng ta chắc chắn vũ khí hạt nhân không còn nữa”. Ông thừa nhận rằng việc này có thể mất một thời gian dài.
Tổng thống Mỹ cho biết: “Về mặt khoa học, bạn phải đợi một khoảng thời gian nhất định. Song một khi bạn bắt đầu quá trình thì có nghĩa rằng nó sắp xong rồi”.
Từ đây cho đến lúc đó, nhiều biện pháp trừng phạt dưới đây sẽ tiếp tục làm khó kinh tế Triều Tiên.
Lệnh cấm xuất khẩu
Các biện pháp trừng phạt Liên Hiệp Quốc nhằm vào xuất khẩu Triều Tiên, cấm bán than, quặng sắt, dệt may và hải sản. Theo chính phủ Mỹ, tất cả các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ đạo của Triều Tiên đều đã là mục tiêu, khiến nước này mất gần 3 tỉ USD nguồn thu hằng năm.
Song chế độ của lãnh đạo Kim được cho là vẫn né tránh một số hạn chế xuất khẩu. Báo cáo Liên Hiệp Quốc công bố tháng 2 cho thấy Bình Nhưỡng kiếm được gần 200 triệu USD từ than và các loại hàng hóa khác xuất khẩu, vi phạm các lệnh trừng phạt.
Hạn chế nhiên liệu
Chính quyền Tổng thống Trump tìm cách tước đoạt nguồn nhiên liệu mà Triều Tiên cần để giúp kinh tế hoạt động. Các biện pháp trừng phạt đóng băng lượng dầu thô mà nước này được nhập khẩu ở mức 4 triệu thùng/năm, giảm lượng sản phẩm dầu thô tinh chế mà nước này có thể mua, cấm cung cấp khí tự nhiên.
Nhưng các biện pháp trừng phạt không triệt để. Mỹ kêu gọi Trung Quốc cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng cho Triều Tiên. Giới chuyên gia dự báo rằng sẽ mất nhiều thời gian trước khi việc “bóp nghẹt” nguồn năng lượng làm tổn thương chế độ Triều Tiên, vì chương trình quân sự và hạt nhân có thể sống nhờ dự trữ năng lượng.
Triều Tiên rõ ràng cũng sử dụng các chuyến chuyên chở giữa các tàu trên biển để có thể lấy được dầu, dù lệnh cấm từ Liên Hiệp Quốc cấm hành vi này. Mỹ từng công bố các biện pháp mới để hạn chế chuyển năng lượng cho Triều Tiên trong tháng 2.
Cô lập tài chính
Chính phủ Mỹ dành nhiều năm để cắt Triều Tiên ra khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, ngăn các ngân hàng Mỹ theo đuổi bất kỳ giao dịch tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nào với đất nước. Washington xử phạt nhiều ngân hàng Triều Tiên cũng như các cá nhân, tổ chức Nga, Trung Quốc.
Trong tháng 9.2017, ông Trump cho Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Steven Mnuchin quyền cắt giảm khả năng tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và đóng băng tài sản của bất kỳ doanh nghiệp, cá nhân nào làm ăn với Triều Tiên. Một số chuyên gia nghĩ rằng việc này có thể khiến một ngân hàng lớn của Trung Quốc bị phạt. Đây là điều vừa gửi tín hiệu cảnh báo đến Bình Nhưỡng, nhưng cũng vừa làm leo thang căng thẳng với Bắc Kinh.
Trung Quốc có yêu cầu các tổ chức tài chính thực hiện một số bước để tuân thủ quyết định của Liên Hiệp Quốc đầu tháng 9.2017, trong đó có việc ngừng làm ăn với các cá nhân, công ty Triều Tiên bị trừng phạt. Nhân viên tại một số nhà băng lớn Trung Quốc cho hay họ không còn mở tài khoản cho bất kỳ người Triều Tiên nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.