Bộ trưởng Năng lượng Iran: 'Dầu không phải là vũ khí'

22/06/2018 14:27 GMT+7

Bộ trưởng Năng lượng Iran, ông Bijan Zanganeh cho rằng Tổng thống Donald Trump đang nỗ lực chính trị hóa thị trường dầu vốn nên được điều chỉnh bởi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).

Ông Trump đã tìm cách can thiệp công khai vào chính sách của OPEC trước khi cuộc họp quan trọng của nhóm này diễn ra vào ngày 22.6, khi phàn nàn trên Twitter rằng OPEC là nguyên nhân khiến giá dầu tăng vọt.
“Dầu không phải là vũ khí, không phải là công cụ chính trị để chống lại một số quốc gia, nhà sản xuất hay người tiêu dùng. OPEC không phải là một tổ chức chính trị và tôi tin rằng OPEC cần lên án bất cứ hành vi nào sử dụng dầu như một vũ khí chống lại các nước khác”, ông Zanganeh nói với các phóng viên hôm 19.6 tại Vienna, Áo, nơi sẽ diễn ra cuộc họp giữa OPEC và các nước sản xuất dầu không thuộc OPEC, bao gồm Nga, trong tuần này.
Ông Trump, dường như với thái độ cảnh giác khi giá xăng trung bình của Mỹ dao động gần 3 USD/gallon, đã tìm cách buộc OPEC phải chịu trách nhiệm về việc dầu tăng giá gần đây. Tuy nhiên, ông Zanganeh cho rằng chính ông Trump đã gây khó khăn cho thị trường dầu mỏ khi áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran và Venezuela. Đồng thời nói rằng không công bằng khi giờ đây Tổng thống Mỹ lại mong đợi OPEC phải giải quyết hậu quả bằng cách bơm thêm dầu.
“Tổng thống Trump nghĩ rằng ông ấy có thể ra lệnh cho OPEC làm điều gì đó… Tôi nghĩ điều đó không công bằng. OPEC không phải là một phần của Bộ Năng lượng Mỹ”, ông Zanganeh nói.
OPEC không có kế hoạch đưa ra quyết định về chính sách sản xuất cho đến khi cuộc họp ngày 22.6 kết thúc. Ả Rập Xê Út, nước xuất khẩu dầu thô hàng đầu OPEC, cùng với Nga dự định nới lỏng các biện pháp kiểm soát nguồn cung. Tuy nhiên, các thành viên OPEC khác, bao gồm Iran, Iraq và Venezuela, đang vận động hành lang để chống lại bất kỳ thay đổi nào trong chính sách hiện hành.
Cuối năm 2016, OPEC đã đạt được thỏa thuận lịch sử với Nga và các nước không phải thành viên OPEC để giữ mức cung 1,8 triệu thùng/ngày cho thị trường. Cách sắp xếp này đã xóa bỏ lượng dầu thô dư thừa trên toàn cầu vốn đã khiến giá dầu giảm từ 100 USD/thùng trong năm 2014 xuống còn dưới 30 USD thùng trong năm 2016. Hiện dầu thô Brent đã hồi phục trở lại quanh mức 75 USD/thùng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.