4 vũ khí để Trung Quốc chống lại Mỹ trong cuộc chiến thương mại

29/07/2018 16:37 GMT+7

Nếu Mỹ quyết tâm áp thuế toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, có lẽ Bắc Kinh sẽ phải sử dụng bộ vũ khí khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bắn phát súng mới nhất trong cuộc chiến thương mại, khi nói rằng đã sẵn sàng áp thuế lên tổng giá trị 505 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ nhập khẩu khoảng 130 tỉ USD các sản phẩm từ Mỹ, vì vậy leo thang thuế quan sẽ không phải là cách phù hợp để Bắc Kinh đối phó với lời đe dọa mới nhất của Washington. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc không thể trả đũa. Trên thực tế, vẫn có một số biện pháp phi thuế quan mà quốc gia châu Á có thể dùng, theo tổng hợp từ CNBC.
Ngừng mua trái phiếu kho bạc Mỹ
Trung Quốc là một trong những chủ sở hữu lớn nhất trái phiếu kho bạc Mỹ, với khoảng 1.000 tỉ USD giá trị trái phiếu vào năm 2017, theo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Giống như hầu hết các nhà đầu tư, nước này cũng muốn dự trữ đồng bạc xanh ở nơi an toàn và trái phiếu Mỹ vẫn là khoản đầu tư vững chắc.
Tuy nhiên, nếu Bắc Kinh chịu áp lực thuế quan quá lớn, có khả năng họ sẽ bán hoặc ngừng mua trái phiếu của Mỹ, và điều đó sẽ tạo ra tác động đáng kể lên nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nếu trường hợp này xảy ra, giá trị trái phiếu Mỹ sẽ giảm mạnh. Chính phủ Mỹ phải vay tiền với lãi suất cao hơn, gây ra những vấn đề khủng hoảng nợ mới.
Hiện có nhiều lý do để Trung Quốc không thực hiện động thái này. Nguyên nhân nổi bật nhất là nó cũng sẽ làm cho cổ phiếu của họ mất giá trị, trong khi họ vẫn không có lựa chọn an toàn nào khác để thay thế cho đồng USD. Nhưng nếu Bắc Kinh muốn làm tổn thương Washington thì đây sẽ là cách hiệu quả nhất, đặc biệt khi chính phủ Mỹ đang phải chịu thâm hụt lớn, dự kiến sẽ đạt 804 tỉ USD cho năm tài chính 2018, theo dữ liệu từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội.
Phá giá nhân dân tệ
Phá giá nhân dân tệ là cách tốt nhất nếu Trung Quốc thực sự muốn làm phiền ông Trump. “Tiền tệ là đòn bẩy hiệu quả nhất để bù đắp cho tác động của thuế quan”, Salman Baig, nhà quản lý đầu tư đa tài sản tại công ty đầu tư Unigestion ở Geneva (Thụy Sĩ), cho hay.
Nếu nhân dân tệ giảm khoảng 8% như hồi giữa tháng 3.2018, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chỉ thấy giá hàng hóa Trung Quốc tăng 2%. “Nếu chi phí mua hàng Trung Quốc giảm, thì bất kỳ mức thuế nào được thêm vào cũng không tạo nhiều khác biệt”, ông Baig nhận định.
Theo ông Baig, có lẽ Trung Quốc sẽ không cần phải tự mình hạ giá nội tệ quá nhiều. Thông thường, một đồng tiền bị giảm giá trị là hệ quả tự nhiên của thuế quan. Càng phải chịu nhiều thuế, giá trị đồng tiền sẽ càng giảm. Và Trung Quốc chắc chắn “không muốn có nhiều biến động trong tiền tệ của họ”. Nhưng ít nhất trong ngắn hạn nước này có thể sẵn lòng để nhân dân tệ rớt giá khoảng từ “2% đến 5%” nhằm chống lại thuế quan từ Mỹ.
Gây khó khăn cho các công ty Mỹ
Gerardo Zamorano, giám đốc nhóm đầu tư của Brandes Investment Partners cho rằng chính phủ Trung Quốc hoàn toàn có thể cấm người dân ngừng tới Mỹ du lịch hoặc ngừng mua hàng hóa của Mỹ. Và họ đã làm như vậy với Hàn Quốc vào năm ngoái, khi Seoul đồng ý triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
“Không có lệnh cấm chính thức, nhưng chính phủ Trung Quốc chỉ cần “nháy mắt” và nói các phương tiện truyền thông nhà nước đưa ra ý kiến nhất định. Sau đó những doanh nghiệp nước ngoài bị nhắm mục tiêu bất ngờ mất thị phần. Điều này có khả năng sẽ xảy ra tương tự với những thương hiệu biểu tượng của Mỹ như McDonald’s hoặc Burger King”, ông Zamorano nói.
Họ cũng có thể cản trở quá trình các công ty Mỹ khó đưa tiền ra khỏi Trung Quốc. Chuyển tiền mặt cần phải được chấp thuận và Bắc Kinh sẽ làm chậm quá trình đó. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể làm khó việc xin visa của người Mỹ hoặc làm tăng gánh nặng pháp lý lên các công ty Mỹ.
“Có rất nhiều quy định thực sự có khả năng làm chậm kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ”, Kristina Hooper, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Invesco, nói.
Cô lập Mỹ
Trung Quốc có thể chơi trò “câu giờ” với Mỹ. Chủ tịch Tập Cận Bình có kế hoạch duy trì quyền lực vô thời hạn, điều này nghĩa là ông sẽ ưu tiên dành thời gian để thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại với các nước khác trên thế giới và cô lập Mỹ. Thực tế là Bắc Kinh đã làm cách này với châu Âu và Canada.
Trong trường hợp muốn tạo tin giật gân, họ cũng có thể tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà ông Trump đã từ bỏ ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 1.2017. Đây là hướng đi dài hạn vì các giao dịch thương mại không thể xảy ra chỉ sau một đêm. Trong khi Mỹ đang làm mất lòng những đối tác lớn như Canada, Liên minh châu Âu và một số nước khác, thì việc các quốc gia trên toàn cầu rời bỏ Mỹ và hình thành liên minh thương mại mới là điều không khó hiểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.