Kinh hãi những vụ vi rút chết chóc rò rỉ khỏi phòng thí nghiệm

26/01/2020 08:00 GMT+7

Giới nghiên cứu đang dồn sức tìm hiểu nguồn gốc, sự lây lan và mức độ nghiêm trọng của dòng vi rút corona mới nhất, mà theo một số thuyết âm mưu có thể đã “tẩu thoát” khỏi phòng thí nghiệm Trung Quốc trước khi đột biến.

Sở dĩ có tin đồn trên một phần do từ trước đến nay không ít lần vi rút nguy hiểm “xổng chuồng” từ các phòng thí nghiệm thế giới, gây nên cảnh náo động trong các cộng đồng khoa học.
Một sự trùng hợp là “tâm chấn” dịch viêm phổi lại ở thành phố Vũ Hán, nơi đặt phòng thí nghiệm tối tân của Trung Quốc, cũng là địa điểm duy nhất nghiên cứu các chủng vi rút chết chóc như SARS và Ebola trên lãnh thổ nước này.
Bên cạnh đó, các công cụ và biện pháp phân tích di truyền hiện đại cho phép xác định chính xác chủng vi rút gây ra bệnh dịch, và lịch sử “hoành hành” của chúng được ghi nhận hết sức cụ thể.
Vì thế, nếu một dòng vi rút bất ngờ xuất hiện trong tự nhiên mà không hề có dấu hiệu nào trước đó cho thấy quá trình phát triển của nó, hoặc nó bất ngờ lộ diện sau nhiều năm biến mất, giới chuyên gia tự động xem đây là mầm bệnh có khả năng vừa thoát ra khỏi phòng thí nghiệm, theo báo cáo đăng trên Bulletin of the Atomic Scientists.
Sau đây là một số trường hợp “xổng chuồng” của vi rút trong lịch sử:

Dịch cúm H1N1 ở Trung Quốc và Liên Xô

Vi rút H1N1 gây bệnh cúm ở người lần đầu tiên xuất hiện vào thời điểm đại dịch toàn cầu bùng nổ vào năm 1918, cho đến khi được xem đã "tuyệt chủng" vào năm 1957. Tuy nhiên, H1N1 bất ngờ lộ diện vào năm 1977 tại Liên Xô và Trung Quốc. Sau khi kiểm tra thông tin di truyền, các nhà khoa học ban đầu cho rằng dòng vi rút này vừa thoát khỏi một phòng thí nghiệm nào đó. Và đến năm 2010, website của Viện Y tế Quốc gia Mỹ đăng báo cáo khoa học chính thức xác nhận thông tin đó. “Trường hợp khét tiếng nhất về khoản rò rỉ vi rút chết người từ phòng thí nghiệm là vụ vi rút cúm A H1N1 tái xuất ở Trung Quốc vào tháng 5.1977 và ngay sau đó ở Liên Xô”, theo nih.com.

Một chuyên viên phòng thí nghiệm xử lý vắc xin cúm A H1N1 ở Lyon, Pháp

Reuters

Theo giả thuyết của Mỹ, một phòng thí nghiệm vào thời điểm đó đang nỗ lực điều chế vắc xin đề phòng dịch cúm bùng nổ, và đã sơ sẩy khiến vi rút phát tán ra bên ngoài. Đến nay, nguồn gốc gây bệnh vẫn còn là một bí ẩn.

Đậu mùa nhiều lần tái xuất ở Anh

Từ năm 1963 đến 1978, Anh chứng kiến 4 trường hợp đậu mùa (không ca tử vong) ở những người có mặt trong vùng mắc bệnh dịch. Cũng trong cùng thời gian, ít nhất 80 trường hợp và 3 cái chết xảy ra do vi rút đậu mùa rò rỉ khỏi 2 phòng thí nghiệm uy tín của Anh. Trường hợp vi rút xổng chuồng đầu tiên là vào tháng 3.1972, từ một trợ lý phòng thí nghiệm công tác tại Trường Y học nhiệt đới & Vệ sinh dịch tễ London. Người này lây cho hai người khác và cả hai đều thiệt mạng.
Đến tháng 8.1978, một nhà nhiếp ảnh y khoa tại Trường Y Birmingham phát bệnh đậu mùa và tử vong. Sau khi tìm hiểu, các nhà điều tra phát hiện phòng làm việc của nạn nhân nằm ngay bên trên phòng thí nghiệm vi rút đậu mùa của trường, và vi rút được cho đã theo đường thông khí xâm nhập phòng làm việc ở tầng trên. Từ vụ này, các chuyên gia mở lại hồ sơ xảy ra dịch đậu mùa vào năm 1966, và nguyên nhân rò rỉ cũng tương tự. Một nhiếp ảnh gia khác là người đầu tiên mắc bệnh, trước khi lây cho ít nhất 72 người khác. May mắn là không có ca tử vong.

Viêm não ngựa Venezuela năm 1995

Đây là dịch bệnh lây lan do muỗi, liên tục tái xuất ở quy mô khu vực hoặc vùng xích đạo trong giai đoạn 1930 đến 1970, với các đối tượng nhiễm bệnh là ngựa, lừa, la. Tuy nhiên, dịch viêm não ngựa Venezuela (VEE) cũng có thể gây tử vong ở người, hoặc để lại tổn thương nghiêm trọng đối với não khiến nạn nhân mắc các chứng động kinh, liệt toàn thân hoặc suy giảm trí lực, chủ yếu là ở trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi. Đến năm 1995, đợt bùng phát VEE ở động vật và người xuất hiện ở Venezuela và Colombia. Ít nhất 10.000 người đã nhiễm bệnh với 11 ca tử vong tại Venezuela. Ở quốc gia láng giềng Colombia, ước tính 75.000 ca nhiễm bệnh, gây ra 3.000 trường hợp biến chứng ảnh hưởng thần kinh và 300 người thiệt mạng. Vi rút VEE cũng bị phát hiện trong 10 trường hợp bị sẩy thai.
Kết quả điều tra thiên về giả thuyết vi rút đã “đào thoát” khỏi phòng thí nghiệm, và cho đến nay họ vẫn chưa thu thập đủ chứng cứ để đưa ra kết luận này.

Dịch SARS lộ diện sau đại dịch 2003

Dịch SARS vào năm 2003 đã lan đến 29 nước và vùng lãnh thổ, gây ra hơn 8.000 nhiễm bệnh và ít nhất 774 trường hợp tử vong. Từ đó cho đến nay, SARS không tái xuất trong tự nhiên, nhưng thay vào đó lại rò rỉ khỏi các phòng thí nghiệm đến 6 lần: một lần ở Singapore và Đài Loan, 4 lần khác từ cùng một phòng thí nghiệm ở Bắc Kinh.

Tẩy trùng phòng chờ ga xe lửa ở Bắc Kinh vào thời điểm xuất hiện dịch SARS 2003

AFP

Trường hợp rò rỉ đầu tiên được ghi nhận ở Singapore vào tháng 8.2003, xảy ra đối với một sinh viên của Đại học Quốc gia Singapore. Sinh viên này không làm việc trực tiếp với vi rút, nhưng nó có mặt trong phòng thí nghiệm mà nạn nhân công tác. Không xảy ra lây lan và bệnh nhân hồi phục sau đó. Trường hợp thứ hai xảy ra ở Đài Loan vào tháng 12.2003, khi một nhà nghiên cứu SARS ngã bệnh trên chuyến bay quay về lãnh thổ sau khi tham gia hội nghị y khoa ở Singapore. Kết quả điều tra cho thấy bệnh nhân xử lý rác sinh học nhiễm vi rút mà không mang đồ phòng hộ.
Bốn trường hợp còn lại đều xuất phát từ Viện Vi rút học Quốc gia Trung Quốc, trong đó ít nhất một người thiệt mạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.