Khủng hoảng nước máy nhiễm chì ở Mỹ

19/10/2019 08:01 GMT+7

Cuộc khủng hoảng nước máy nhiễm chì đe dọa sức khỏe người dân lan rộng tại nhiều nơi ở Mỹ kể từ vụ bê bối tại TP.Flint bị phanh phui.

Sau vụ bê bối nước bẩn ở Flint (bang Michigan) gây chấn động dư luận hồi 2016, tình trạng nước máy nhiễm chì được phát hiện tại nhiều thành phố khác ở Mỹ. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ ước tính hằng năm ít nhất 4 triệu hộ dân và khoảng 500.000 trẻ em (1 - 5 tuổi) có nguy cơ bị ngộ độc chì vì nước máy tại nhiều thành phố như Syracuse, New York và Baltimore, theo Đài ABC.

Hậu quả lâu dài

Hiện nước máy được cơ quan kiểm định xác nhận an toàn, nhưng cuộc khủng hoảng vẫn chưa kết thúc ở Flint, từng là thành phố nổi tiếng với ngành sản xuất ô tô và dân số đa phần là người da màu, theo tờ The New York Times. Nhiều người dân đang sống trong lo sợ, chỉ dùng nước đóng chai vì còn 7.000 đường ống dẫn nước bị nhiễm chì chưa được thay thế.
Cuộc khủng hoảng xuất phát từ việc chính quyền TP.Flint thay đổi nguồn nước từ hồ Huron, sông Detroit sang sông Flint để cắt giảm ngân sách vào năm 2014. Kể từ đó, người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng dị ứng da cùng nhiều chứng bệnh liên quan đến ngộ độc chì và nước máy bốc mùi hôi thối với màu vàng như kim loại gỉ sét. Tuy nhiên, giới chức luôn khẳng định nước sạch, an toàn.
Chỉ khi truyền thông đồng loạt phản ánh vụ việc hồi 2016, người dân Flint mới được chính quyền khuyến cáo chỉ dùng nước đóng chai để uống, hạn chế nấu ăn, giặt giũ và tắm gội bằng nước máy lấy từ sông Flint. Lúc bấy giờ, dư luận Mỹ bàng hoàng trước thông tin hơn 8.000 trẻ em ở Flint dùng nước nhiễm chì, với kết quả xét nghiệm cho thấy lượng chì trong máu ở mức báo động và hơn 100.000 người dân tại đây có nguy cơ bị ngộ độc chì.
Theo AP, có hơn 100 trường hợp mắc bệnh vì nước bẩn ở Flint, trong đó 12 người tử vong. Hồi năm 2016, tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama cũng đến Flint, trực tiếp uống nước máy để trấn an người dân. Tuy nhiên, ông bị truyền thông Mỹ chỉ trích là chỉ kề môi vào ly.

Không ai chịu trách nhiệm

Có 15 người, bao gồm quan chức cấp cao từng làm việc cho chính quyền TP.Flint lẫn bang Michigan, đã bị truy tố hình sự liên quan đến vụ bê bối nước bẩn, theo CNN. Chẳng hạn, ông Nick Lyon, cựu Giám đốc Cơ quan Y tế bang Michigan, bị truy tố tội ngộ sát vì không đưa ra khuyến cáo và ngăn chặn đoàn kiểm định chất lượng nguồn nước.
Tuy nhiên, vẫn chưa ai bị tuyên án và các phiên tòa xét xử nhiều lần bị trì hoãn do giới chức có liên quan kháng cáo, phủ nhận trách nhiệm. Ngày 15.10 vừa qua, các công tố viên vẫn giữ nguyên quyết định hồi tháng 6 là hủy bỏ truy tố tội hình sự đối với 15 người kể trên, yêu cầu tiến hành điều tra lại từ đầu vì tình nghi quá trình thu thập, lưu trữ chứng cứ không minh bạch.
Trong khi đó, TP.Newark (bang New Jersey) lâm vào tình trạng khủng hoảng thiếu nước uống đóng chai sau khi chính quyền tiếp tục phát hiện lượng chì trong nước máy cao đến mức báo động hồi tháng 8. Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) yêu cầu chính quyền Newark phải cung cấp nước đóng chai miễn phí cho người dân do thiết bị lọc nước máy không đảm bảo.
Hồi năm 2016, ngay sau vụ Flint bị phanh phui, chính quyền Newark cũng phân phát thiết bị lọc nước máy miễn phí cho khoảng 400.000 người dân để tránh bị ngộ độc chì, nhưng EPA đánh giá không đạt tiêu chuẩn.
Nhiều người dân đã đệ đơn kiện và lên án chính quyền Newark biết rõ nước nhiễm chì từ nhiều năm qua nhưng không có biện pháp xử lý triệt để những đường ống cũ kỹ, khiến chì và vi khuẩn nhiễm vào nguồn nước.
Thượng nghị sĩ của bang New Jersey, ông Cory Booker cho rằng “cuộc khủng hoảng quốc gia về nước nhiễm chì không có hồi kết và ảnh hưởng nặng nề đến cộng đồng người da màu như tôi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.