Không xóa nội dung xấu, lãnh đạo mạng xã hội có thể bị Úc phạt tù

Văn Khoa
Văn Khoa
04/04/2019 16:26 GMT+7

Quốc hội Úc ngày 4.4 thông qua luật mới cho phép chính quyền nước này phạt những công ty vận hành các nền tảng mạng xã hội số tiền lên đến 10% doanh thu toàn cầu hằng năm của họ nếu không xóa nội dung bạo lực.

Ngoài ra, giám đốc điều hành của các công ty như trên có thể bị phạt lên đến 3 năm tù giam nếu không “nhanh chóng" xoá bỏ các nội dung mang tính chất bạo lực khi được chính quyền yêu cầu, theo Reuters.
Cũng theo luật mới, nhiều công ty như Facebook hay Google, sở hữu YouTube, sẽ phạm tội ở Úc nếu không nhanh chóng tháo gỡ bất kỳ đoạn phim hay hình ảnh nào thể hiện cảnh giết người, tra tấn hoặc cưỡng hiếp. Những công ty mạng xã hội cũng phải thông báo với cảnh sát Úc khung thời gian thích hợp gỡ các nội dung tiêu cực xuống.
Tổng giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg Reuters
Google bày tỏ ủng hộ luật mới. “Chúng tôi không chấp nhận nội dung khủng bố trên nền tảng của mình. Chúng tôi cam kết dẫn đầu trong việc phát triển các kỹ thuật và tiêu chuẩn mới để xác định và gỡ bỏ các nội dung khủng bố”, một phát ngôn viên Google cho Reuters hay. Trong khi đó, Facebook chưa có phản ứng.
Luật mới được đưa ra nhằm phản ứng trước việc một tay súng tấn công vào 2 đền thờ Hồi giáo ở thành phố Christchurch của New Zealand hôm 15.3, khiến 50 người thiệt mạng. Tay súng đã phát trực tiếp quá trình thực trình thực hiện tội ác đó trên Facebook.
[VIDEO] Xả súng New Zealand: Bắt đầu - và kết thúc - trên mạng xã hội
Google, YouTube và Facebook đã nỗ lực gỡ bỏ nhiều đoạn phim liên quan vụ xả súng và sau đó thông báo sẽ siết chặt quản lý video trực tuyến. Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng những bước đi này vẫn chưa đủ và quá chậm. “Nhiều quốc gia cố gắng tìm kiếm biện pháp phòng chống nội dung cực đoan trên internet. Đã đến lúc chúng ta cần chung tay để có giải pháp toàn cầu”, nữ lãnh đạo nhận định.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia cũng đã kêu gọi thiết lập một bộ quy định quốc tế về internet, tương tự Công ước LHQ về luật Biển. “Tuy nhiên, tiến trình đàm phán sẽ kéo dài ít nhất 10 - 15 năm và khó có khả năng các nước đồng thuận về một biện pháp chung”, AFP dẫn lời Giáo sư Lee McKnight thuộc Đại học Syracuse (Mỹ) nhận định.
[VIDEO] Singapore chống tin thất thiệt, Facebook lo ngại
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.