Không quân Mỹ gọi thầu cung cấp 3 máy bay huấn luyện cho Việt Nam

19/02/2021 19:13 GMT+7

Không quân Mỹ đang gọi thầu cung cấp 3 máy bay huấn luyện cho Không quân Việt Nam, bao gồm cả gói huấn luyện đào tạo phi công và cung ứng phụ tùng. Dự kiến việc bàn giao máy bay diễn ra chậm nhất vào giữa năm 2023.

Cung cấp 3 máy bay động cơ cánh quạt kèm huấn luyện đào tạo

Theo thông báo công bố ngày 18.2, Không quân Mỹ đang xúc tiến hợp đồng gọi thầu cung cấp 3 máy bay huấn luyện cho Không quân Việt Nam kèm chương trình đào tạo huấn luyện phi công cơ bản dựa trên mô hình đào tạo phi công của Không quân Mỹ.

Theo đó, hạn chót nhận hồ sơ chào thầu cung cấp máy bay và các gói hỗ trợ về huấn luyện, kỹ thuật, hậu cần, cung ứng phụ tùng là vào ngày 3.3.2021; và việc bàn giao 3 máy bay chậm nhất vào khoảng giữa năm 2023.

Theo Không quân Mỹ, việc cung cấp 3 máy bay huấn luyện này nằm trong chương trình chiến lược về hợp tác và hỗ trợ an ninh khu vực giữa Không quân Mỹ và Việt Nam.

Máy bay huấn luyện T-6A Texan II do hãng Beechcraft (thuộc tập đoàn Textron) sản xuất từ những năm 2000, được Không quân và Hải quân Mỹ dùng để đào tạo phi công cơ bản

Không quân Mỹ

Loại máy bay huấn luyện được gọi thầu là loại được trang bị động cơ tuabin cánh quạt, được Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA) chứng nhận, có trang bị buồng lái điều áp, hệ thống cung cấp ô xy trên khoang lái, mũ phi công có hiển thị thông tin, thiết bị điện tử hiện đại. Máy bay phải có hạn sử dụng không ít hơn 15.000 giờ bay, có các giá treo bên ngoài có thể mang được bình nhiên liệu dự phòng theo chuẩn NATO để có thể có tầm hoạt động huấn luyện xa.

Không quân Mỹ cũng yêu cầu máy bay phải đảm bảo chi phí cho mỗi giờ bay tương đối thấp.

Đi kèm là các gói cung ứng hậu cần, phụ tùng, thiết bị hỗ trợ mặt đất và hỗ trợ kỹ thuật, thiết bị huấn luyện trên máy tính, huấn luyện phi công cơ bản theo chương trình của Không quân Mỹ...

Thượng úy Không quân Nhân dân Việt Nam Đặng Đức Toại kiểm tra máy bay T-6 Texan II trước khi tiến hành bài bay kiểm tra cuối khóa hôm 29.5.2019 tại Căn cứ không quân Columbus, Mỹ. Thượng úy Toại đã có hơn 167 giờ bay với máy bay T-6 trong chương trình đào tạo

Không quân Mỹ

Phi công Việt Nam học lái T-6A Texan II tại Mỹ

Gần đây, Mỹ đã đào tạo một số phi công của Không quân Việt Nam. Ngày 31.5.2019, Căn cứ không quân Columbus (ở bang Mississippi, Mỹ) tổ chức lễ tốt nghiệp cho 34 phi công Mỹ và nước ngoài, trong số này có phi công Việt Nam là thượng uý Đặng Đức Toại.

Thông tin từ Facebook Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết thêm thượng úy Toại là phi công Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trong khuôn khổ Chương trình Lãnh đạo Hàng không của Không quân Mỹ. Ngoài ra còn có trung úy Doãn Văn Cảnh cũng theo học chương trình này tại căn cứ nói trên.

Việc phi công Việt Nam tham dự các khóa đào tạo như trên xuất phát từ việc hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Các phi công Việt Nam được đào tạo bằng loại máy bay T-6A Texan II vốn được Không quân và Hải quân Mỹ sử dụng trong huấn luyện bay.

Hồi tháng 9.2019, phát biểu tại một sự kiện ở Hawaii, đại tướng Charles Q. Brown, tư lệnh Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương lúc đó, cho hay phía Việt Nam đang xem xét mua máy bay huấn luyện T-6 của Mỹ.

Máy bay huấn luyện Yak-52 của Không quân Việt Nam

Báo Phòng không - không quân

Được biết, hiện Không quân Việt Nam đào tạo phi công quân sự với 2 loại máy bay: Yak-52 (tuabin cánh quạt, do Liên Xô chế tạo, dùng huấn luyện bay sơ cấp) và L-39 (phản lực, Tiệp Khắc chế tạo, huấn luyện bay nâng cao).

Máy bay T-6A Texan II do hãng Beechcraft (thuộc tập đoàn Textron) sản xuất từ những năm 2000. Đây là loại máy bay 2 chỗ ngồi, 1 động cơ tuabin cánh quạt, dài 10,16 m, sải cánh 10,19 m, tốc độ tối đa 500 km/giờ, trần bay tối đa 9.440 m, tầm bay 1.660 km.

Hai máy bay huấn luyện T-6A Texan II bên trên bầu trời căn cứ không quân Laughlin ở Texas, Mỹ

Không quân Mỹ

Máy bay T-6A được dùng để huấn luyện đào tạo cơ bản cho phi công thuộc Không quân và Hải quân Mỹ. Sau đó phi công được đào tạo nâng cao bằng loại máy bay huấn luyện phản lực là loại T-38 Talon.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.