Không còn người Việt nào đang bị án tử tại Indonesia

19/01/2015 09:12 GMT+7

(TNO) Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta cho hay ngoài Trần Thị Bích Hạnh bị tử hình hôm 18.1, hiện không có người Việt nào đang bị án tử tại Indonesia.

(TNO) Đại sứ quán Việt Nam tại Jakarta cho hay ngoài Trần Thị Bích Hạnh bị tử hình hôm 18.1, hiện không có người Việt nào đang bị án tử tại Indonesia.

Không còn công dân Việt Nam lãnh án tử ở Indonesia 1 Nhân viên nhà tù Semarang cầm ảnh của Trần Thị Bích Hạnh. Khi được hỏi về nguyện vọng, bà Hạnh nói rằng chỉ mong được tử hình tại quê hương Việt Nam - Ảnh chụp trang Facebook của Jakarta Globe
Bà Hạnh, 37 tuổi, bị bắt khi đến sân bay Adi Soemarmo ở thành phố Solo, tỉnh Trung Java, trên một chuyến bay của hãng AirAsia khởi hành từ thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) với 1,1 kg “hàng đá” methamphetamine trong người, trị giá khoảng 200.000 USD.
Tờ Jakarta Globe cho hay đó là lần thứ 9 bà Hạnh mang ma túy vào Indonesia, 8 lần trước đều trót lọt.
Tòa án huyện Boyolali, tỉnh Trung Java, kết bà Hạnh án tử hình ngày 22.11.2011.
Bà Hạnh cùng một phụ nữ Indonesia và 4 người đàn ông khác từ Brazil, Malawi, Nigeria và Hà Lan đã bị xử bắn rạng sáng 18.1, sau khi Tổng thống Indonesia Joko Widodo bác đơn xin khoan hồng của họ vào ngày 30.12.2014.
Trao đổi với Thanh Niên Online chiều 18.11, Bí thư thứ 3 phụ trách bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam ở Jakarta, ông Đoàn Văn Nam, cho biết sau trường hợp bà Hạnh, hằng năm vẫn có một số trường hợp người Việt bị bắt vì tội danh ma túy.
“Tuy nhiên, không có án tử hình. Những người này chỉ bị án tù cao nhất là vài chục năm, một số còn đang tiếp tục điều tra. Bà Hạnh là người bị án nặng nhất”, ông nói.
Ông Nam cũng cho biết, bà Hạnh, có chồng con ở quê nhà Hà Nội, đã trải qua 2 phiên tòa. Tòa sơ thẩm kết án bà Hạnh nhẹ hơn, nhưng do bà chống án, tòa phúc thẩm sau khi xem xét lại các chứng cứ và quá trình phạm tội của bà và quyết định tăng lên án tử hình.
Trả lời câu hỏi trong số những người Việt bị bắt sau đó, có ai liên quan đến hoạt động của bà Hạnh không, Bí thư Đoàn Văn Nam nói rằng Sứ quán không khẳng định điều này: “Việc của bà Hạnh thì cũng lâu rồi. Các trường sau này có liên quan đến bà ấy hay không thì chúng tôi không thể biết được. Chỉ có công an mới biết thôi. Những thông tin đó chúng tôi đã chuyển về cho công an để họ xem xét có liên quan với nhau hay không”.
Báo Jakarta Post cho hay, hiện nay Indonesia đang giam giữ trên 138 tử tù, trong đó phần lớn phạm tội ma túy và 1/3 số đó là người nước ngoài.
Tổng thống Joko Widodo đã tuyên bố sẽ không khoan dung cho bất kì ai trong số 64 tử tù tội ma túy hiện tại.
Người đứng đầu cơ quan công tố Muhammad Prasetyo cho hay sẽ có đợt hành quyết tiếp theo trong năm nay và mỗi năm sẽ có khoảng 20 người bị tử hình.
Báo này cũng cho biết lệnh thi hành án vào ngày 18.1 đã được truyền xuống các trại giam để thông báo cho các tử tù và thông báo đến cơ quan đại diện ngoại giao của những quốc gia có công dân bị thi hành án vào ngày 14.1
Sau khi có công hàm thông báo từ Bộ Ngoại giao Indonesia, Sứ quán Việt Nam đã cử người tới nhà tù Semarang thăm lãnh sự bà Hạnh.
Không còn công dân Việt Nam lãnh án tử ở Indonesia 2Tử tù Trần Thị Bích Hạnh bị bắn tại huyện Boyolali. Trước khi bị hành quyết, bà Hạnh đề nghị được cởi trói khi bị bắn -Ảnh: Solopos
Trong khi đó, Đại sứ Nguyễn Xuân Thủy đã chuyển thư của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Tổng thống Joko Widodo xin giảm án cho bà Hạnh, đồng thời cùng đại sứ các nước có công dân bị án tử hình đợt này như Hà Lan, Brazil... vận động Bộ Ngoại giao Indonesia xin hoãn thi hành án. Nhưng tất cả đều bất thành, ông Nam cho biết.
Gia đình bà Hạnh ở Hà Nội đã được Sứ quán thông báo về việc hành quyết, “tuy nhiên họ rất nghèo nên không có điều kiện sang Indonesia thăm”, ông nói thêm.
Bà Hạnh đã bị xử bắn khoảng 3 giờ sáng 18.1 tại huyện Boyolali, gần như cùng thời điểm hành quyết 5 người còn lại gần nhà tù trên đảo Nusa Kambangan thuộc huyện Cilacap, cùng tỉnh Trung Java.
Phát ngôn viên Văn phòng công tố Tony Spontana cho biết trước lúc bị hành quyết, bà Hạnh yêu cầu được cởi trói khi bị bắn. Trước đó, khi được hỏi ước nguyện cuối cùng trước khi chết, bà Hạnh nói rằng mong được tử hình tại quê hương Việt Nam.
Theo nguyện vọng của bà Hạnh, thi thể bà đã được hỏa táng ngay lập tức và được chôn trong hôm qua tại nghĩa trang Kedungmundu ở Semarang, ngay bên cạnh mộ của vị mục sư từng giảng đạo cho bà, thông tấn xã Antara cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.