Khởi đầu cho một quá trình dài

13/05/2018 11:00 GMT+7

Hành trình để các bên đạt được thỏa thuận hòa bình trọn vẹn trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ còn dài với nhiều thách thức

Ngày 12.6, hội đàm thượng đỉnh đầu tiên diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra tại Singapore. Mặc dù đây là cuộc gặp song phương, nhưng để đi đến kết quả phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thì cần phải có sự nỗ lực của nhiều bên khác như Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản và Trung Quốc cũng như các nước châu Âu.
Nhìn lại suốt thời gian qua thì có thể thấy rõ lãnh đạo Kim đã không ngừng theo đuổi để đạt được thành tựu về công nghệ hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Khi “đắc thủ” những thứ này, Bình Nhưỡng có thể tự tin hơn trong việc bảo vệ chế độ. Bước tiếp theo chính là dùng vấn đề hạt nhân để giải quyết khó khăn và kinh tế.
Có lẽ, để Bình Nhưỡng thực sự dỡ bỏ chương trình hạt nhân, Washington cùng với Seoul và Tokyo, hay cả châu Âu phải đồng ý cung cấp các gói tài trợ nhằm giúp Triều Tiên phát triển kinh tế. Thậm chí, Mỹ và Hàn Quốc nhiều khả năng phải cam kết một nguồn tài chính khổng lồ dành cho Triều Tiên.
Khi có được những hỗ trợ đó để mở rộng đối tác, Bình Nhưỡng cũng sẽ thay đổi được thực trạng nền kinh tế đang quá phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Từ những thực tế trên, hành trình để các bên đạt được thỏa thuận hòa bình trọn vẹn trên bán đảo Triều Tiên chắc chắn sẽ còn dài với nhiều thách thức. Cuộc gặp sắp tới chỉ mới là khởi đầu cho hành trình đó và Bình Nhưỡng rất cần chứng minh sự thiện chí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.