Khó lường tên lửa Trung Quốc trên Biển Đông

05/07/2019 07:00 GMT+7

Dù chưa xác nhận chính xác Trung Quốc vừa bắn thử loại tên lửa nào trên Biển Đông , nhưng đây cũng là hành động rất đáng quan ngại cho khu vực.

Ngày 3.7, CNN dẫn lời phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Dave Eastburn xác nhận Trung Quốc vừa bắn thử tên lửa chống hạm trên Biển Đông. Ông Eastburn cho biết: “Trung Quốc bắn thử tên lửa từ một thực thể nhân tạo ở Biển Đông, gần quần đảo Trường Sa”. Lầu Năm Góc cho rằng đó là hành động gây rối.

Bí ẩn vụ bắn tên lửa

Trước đó, trưa 2.7 theo giờ VN, Đài NBC (Mỹ) dẫn nguồn từ 2 quan chức quân đội Mỹ đã tiết lộ thông tin trên và khẳng định Trung Quốc bắn hàng loạt tên lửa đạn đạo chống hạm. Diễn biến này được thông tin trong bối cảnh Trung Quốc công bố tổ chức tập trận trên Biển Đông từ ngày 29.6 - 3.7. Bắc Kinh không lên tiếng phản hồi các cáo buộc từ Washington.

Mô hình dàn phóng và tên lửa diệt hạm siêu âm CM-401

GlobalSecurity.org

Tuy nhiên, đến chiều qua, vẫn chưa có thông tin chính thức loại hỏa tiễn mà Trung Quốc vừa bắn trên Biển Đông là loại nào. Một số thông tin ban đầu cho rằng đó có thể là tên lửa đối hạm CM-401 mà Bắc Kinh giới thiệu hồi cuối năm ngoái. Đây là một dạng tên lửa bán đạn đạo, có tầm bắn từ 15 - 290 km, với vận tốc gấp 6 lần tốc độ âm thanh nên được xem là “sát thủ diệt hạm”.
Thế nhưng, một nguồn tin quốc phòng khác lại cho rằng đó có thể là tên lửa đối không HQ-9, vốn được gọi là “S-300 phiên bản Trung Quốc” với tầm bắn khoảng 250 km. Từ năm 2018, theo thông tin từ AMTI thì loại tên lửa này đã được triển khai trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa.

Một xe phóng tên lửa đất đối không HQ-9

Tyg728/Wikipedia

PGS Stephen Robert Nagy, chuyên gia tại Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế (Nhật Bản) - học giả của Quỹ châu Á - Thái Bình Dương (Canada), nhận định nhiều khả năng Trung Quốc bắn tên lửa HQ-9 vì CM-401 còn cần xem xét nhiều hơn.
Nếu đúng là CM-401 thì có thể tương thích với thông tin của Lầu Năm Góc. Còn HQ-9 thì không phải là tên lửa đối hạm như quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ. Tất nhiên, Bắc Kinh còn đồn trú nhiều loại tên lửa khác ở khu vực Biển Đông.

[VIDEO] Trung Quốc có thực sự "vượt mặt" Mỹ trong cuộc chạy đua tên lửa?

Thông điệp đáng lo

Trong sự kiện lần này, nhiều chuyên gia cho rằng có thể giới chức Mỹ đã thông tin bước đầu thiếu chính xác. Trả lời Thanh Niên sáng 4.7, bà Bonnie Glaser, chuyên gia cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), khẳng định thông tin Lầu Năm Góc đưa ra là chưa chính xác, vì tên lửa không được phóng từ thực thể ở Trường Sa.
Tương tự, ông Gregory B.Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc CSIS, cho rằng có thể thông tin ban đầu mà các quan chức Mỹ đưa ra có sự nhầm lẫn giữa điểm rơi và điểm bắn. Theo ông, nếu tên lửa rơi xuống khu vực Trường Sa thì hợp lý hơn. Ông Poling dẫn chứng cùng thời điểm trên, Bắc Kinh đưa ra thông cáo hạn chế không phận ở phía đông quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố vùng hạn chế hàng hải ở phía bắc Trường Sa. Vì thế, ông cho rằng tên lửa có thể được khai hỏa từ phía nam đảo Hải Nam tới khu vực quần đảo Trường Sa.
Đến trưa 4.7, Đài NHK của Nhật Bản dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cũng khẳng định Trung Quốc phóng tên lửa trên từ đất liền xuống 2 khu vực ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong khi thông tin chi tiết vụ thử tên lửa chưa được xác nhận, ông Poling nhận xét nếu là tên lửa đối hạm thì “đây là thông điệp đe dọa mà Trung Quốc gửi đến Mỹ, Nhật và Pháp, cùng một số nước đưa hải quân hiện diện ở Biển Đông gần đây, ám chỉ Bắc Kinh có thể bắn hạ bất cứ tàu chiến nước nào”. Chuyên gia Nagy cũng đặt vấn đề vụ thử tên lửa là tín hiệu đe dọa mà Trung Quốc nhằm vào việc các nước đang thực thi tự do hàng hải trên Biển Đông.

Việt Nam theo dõi sát sao

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 4.7, trả lời câu hỏi về quan điểm của Việt Nam với việc Trung Quốc tập trận ở Biển Đông và có bắn một số tên lửa chống hạm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam rất quan tâm và theo dõi sát vụ việc này.
Bà Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam đề nghị mọi hoạt động của các bên ở khu vực Biển Đông cần tôn trọng chủ quyền và các quyền lợi chính đáng, hợp pháp của các quốc gia, tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực”.
Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.