Khi Trung Quốc thiết lập ADIZ, Biển Đông sẽ bất ổn hơn

03/06/2020 09:00 GMT+7

Đó là nhận định của giới chuyên gia quốc tế khi trả lời phỏng vấn Thanh Niên ngày 2.6 về thông tin Trung Quốc đã lập kế hoạch và có thể tuyên bố Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông.

Mới đây (ngày 31.5), báo South China Morning Post ở Hồng Kông dẫn nguồn tin từ quân đội Trung Quốc cho hay Bắc Kinh từ năm 2010 đã lên kế hoạch thiết lập ADIZ bao trùm cả quần đảo Đông Sa (Pratas) ở phía bắc Biển Đông, và cả 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Trung Quốc sẵn sàng tuyên bố ADIZ

Theo ông, Trung Quốc có tuyên bố ADIZ ở Biển Đông hay không? Nếu có thì khi nào?
TS Swee Lean Collin Koh (chuyên gia quốc phòng thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore): Trung Quốc đã có các điều kiện cơ bản để thiết lập ADIZ ở Biển Đông, điển hình như các đường băng mà Bắc Kinh đã xây dựng ở một số đảo, bãi cạn mà họ đang kiểm soát ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cùng với các đường băng thì còn có nhà chứa máy bay và nhiều hạ tầng khác có thể dùng để xây dựng mạng lưới giám sát phòng không. Nên vấn đề là Trung Quốc có đủ ý chí chính trị để tuyên bố ADIZ hay không.
Những diễn biến quân sự gần đây trên Biển Đông, nhất là sau khi Mỹ liên tục điều động máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer đến hoạt động, thì đó sẽ là cái cớ để Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở vùng biển này. Trung Quốc có thể xem xét lý do để tuyên bố ADIZ, mà một trong các động cơ cho điều đó là nhằm gây chú ý.
Tuy nhiên, cũng có những lý do khác có thể ngăn cản Trung Quốc làm điều đó là ý nghĩa chính trị thực tế của ADIZ có thể không cao. Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông, nhưng Mỹ nhanh chóng vô hiệu hóa bằng cách điều động máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực này. Trong khi đó, ADIZ trên Biển Đông sẽ rộng hơn rất nhiều so với ADIZ trên biển Hoa Đông, nên việc kiểm soát cũng thách thức hơn.
GS Yoichiro Sato (chuyên ngành quan hệ quốc tế, Đại học Ritsumeikan Asia Pacific, Nhật Bản): Việc Bắc Kinh tuyên bố ADIZ không chỉ phụ thuộc vào sự chuẩn bị hạ tầng cần thiết mà còn dựa vào thực tế quan hệ Mỹ - Trung. Bắc Kinh chẳng đạt được gì đáng kể khi tuyên bố ADIZ ở biển Hoa Đông vào năm 2013, bởi cả Mỹ lẫn Nhật đều phớt lờ. Nếu Washington tiếp tục xem thường ADIZ do Trung Quốc tuyên bố trên Biển Đông thì Bắc Kinh sẽ lại mất mặt. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng có thể dùng việc tuyên bố ADIZ như một lá bài để thương lượng với Washington để giải quyết các áp lực về kinh tế.
Ông Timothy R.Heath (chuyên gia nghiên cứu cấp cao của Tổ chức RAND, Mỹ): Tôi không nghĩ Trung Quốc sẽ sớm tuyên bố ADIZ ở Biển Đông, vì sẽ gây đối kháng từ các nước ASEAN cũng như cả từ phía Mỹ, nhất là trong bối cảnh chính Trung Quốc đang tìm cách phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Tình hình trở nên khó giải quyết

Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông thì sẽ tác động như thế nào đến tình hình ở đây?
TS Swee Lean Collin Koh: Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ trên Biển Đông nhằm hạn chế máy bay quân sự các nước hoạt động tại đây, thì ngược lại chỉ thách thức khiến các nước, đặc biệt là Mỹ điều động thêm nhiều chuyến bay quân sự như vậy. Thực tế này có thể làm gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố trên không như vụ năm 2001 ở không phận gần đảo Hải Nam (Trung Quốc). Nói cách khác, việc Bắc Kinh tuyên bố ADIZ ở Biển Đông chỉ dẫn đến bất ổn nhiều hơn cho vùng biển này.
Đó là chưa kể nếu Trung Quốc làm như vậy, thì sẽ khiến cộng đồng quốc tế, và đặc biệt là khu vực ASEAN, càng thêm mất lòng tin vào Bắc Kinh, gây phức tạp cho quá trình đàm phán liên quan vùng biển này.
GS Yoichiro Sato: Chỉ có thể ép buộc một số chuyến bay thương mại khai báo, nhưng Bắc Kinh có thể dùng điều đó để chứng minh quyền kiểm soát thực tế nhằm hoàn thiện “hồ sơ” cho cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Timothy R.Heath: Nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông thì sẽ leo thang căng thẳng với Mỹ và các nước ASEAN. Chắc chắn, Washington sẽ đáp trả bằng cách thực hiện quyền tự do hàng hải, điều động thêm nhiều tàu chiến hoạt động tại Biển Đông. Còn với ASEAN, quyết định của Trung Quốc sẽ “đóng cửa” tiến trình đối thoại giữa hai bên. Tình hình Biển Đông sẽ trở nên khó giải quyết hơn.

Bắc Kinh có thể hứng chịu tác dụng ngược

ASEAN nên phản ứng thế nào nếu Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông?
TS Swee Lean Collin Koh: Thực sự, khi đó sẽ khó kỳ vọng một tuyên bố chung thực sự mạnh mẽ từ ASEAN, bởi sự thiếu đồng thuận của khối này trong nhiều vấn đề, nhất là về quan hệ với Trung Quốc. Tuy nhiên, thực tế này sẽ khiến một số thành viên ASEAN nghiêm túc hơn trong việc đánh giá rằng các nước ngoài khu vực cần tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông để đối trọng với Trung Quốc. Như thế, Trung Quốc sẽ hứng chịu tác dụng ngược vì Bắc Kinh vẫn luôn tìm cách loại trừ việc quân đội các nước ngoài khu vực tiến hành hoạt động ở Biển Đông.
GS Yoichiro Sato: Rõ ràng ASEAN phải tăng cường đồng thuận để phản ứng lại các hành vi của Trung Quốc. ASEAN cũng nên đẩy mạnh quan hệ với cộng đồng quốc tế như với Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Pháp, Anh… để tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong khu vực mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò”.
Ông Timothy R.Heath: ASEAN thậm chí phải cùng nhau chủ động cảnh báo trước về rủi ro Trung Quốc tuyên bố ADIZ ở Biển Đông. Thêm vào đó là tăng cường đối thoại đa phương để giải quyết bất đồng và không để bất cứ quốc gia nào nghĩ rằng có thể đơn phương áp đặt cho cả khu vực.
Philippines dừng việc hủy thỏa thuận quân sự với Mỹ
Viết trên Twitter ngày 2.6, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cho biết nước này đã tạm dừng quyết định hủy Thỏa thuận lực lượng thăm viếng (VFA). Tuy nhiên, việc tạm dừng này chỉ kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ ngày 1.6, theo tờ Philippine Daily Inquirer. Quyết định tạm dừng được đưa ra theo chỉ đạo của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và “do tình hình chính trị và diễn biến khác trong khu vực”.
Đầu tháng 2, Ngoại trưởng Locsin ký và gửi thông báo hủy VFA cho chính phủ Mỹ theo lệnh của Tổng thống Duterte và việc hủy thỏa thuận này sẽ có hiệu lực sau 180 ngày kể từ ngày ký. VFA được ký vào năm 1998, cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.