Khí tài quân sự đổ dồn về Biển Đông

Văn Khoa
Văn Khoa
01/03/2021 07:08 GMT+7

Không chỉ có Trung Quốc và Mỹ tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông, chiến hạm của Pháp cũng gia tăng hiện diện tại khu vực này.

Trung Quốc liên tục tập trận

Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm qua dẫn lại thông tin từ Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cho hay Chiến khu Nam bộ thuộc Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tiến hành cuộc tập trận bắn đạn thật nhằm kiểm tra khả năng ứng phó các cuộc tấn công bằng tên lửa tiềm tàng ở “vùng biển xa”. Tham gia cuộc tập trận có tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu đổ bộ và tàu tiếp tế. CCTV đưa tin về cuộc tập trận vào tối 27.2, nhưng không nói rõ thời gian cũng như địa điểm diễn ra, trong khi Chiến khu Nam bộ có địa bàn hoạt động ở Biển Đông.

Trung Quốc thông báo sẽ tập trận ở Vịnh Bắc bộ cả tháng 3.2021

Chiến thuật có thể được áp dụng ở Biển Đông ?

Tờ South China Morning Post hôm qua dẫn lời giới phân tích cho rằng chiến thuật trong cuộc tập trận hồi tháng 2 với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay, đội đặc nhiệm SEAL và thủy quân lục chiến của Mỹ có thể được sử dụng ở Biển Đông để đối phó Trung Quốc. Trong cuộc tập trận được gọi tắt là COMPTUEX, SEAL cung cấp dữ liệu về mục tiêu, còn lính thủy đánh bộ ở các căn cứ tiền phương cung cấp lựa chọn tấn công khác bằng tên lửa nhằm bổ sung cho các vũ khí trên tàu chiến và máy bay thuộc nhóm tác chiến tàu sân bay Dwight D.Eisenhower, khi nhóm tàu này hoạt động ở Đại Tây Dương, theo chuyên trang USNI News.
COMPTUEX là cuộc tập trận quy mô lớn đầu tiên có sự phối hợp của nhóm tác chiến tàu sân bay, SEAL và thủy quân lục chiến. Đây cũng là lần đầu tiên các biện pháp liên lạc của NATO được sử dụng để huấn luyện binh sĩ Mỹ, theo chuyên trang USNI News. Cuộc tập trận được thiết kế để tăng cường liên kết với quân đội của các nước đồng minh để các lực lượng có thể tiến hành chiến dịch ở nhiều khu vực.
Nhà phân tích quốc phòng Timothy Heath thuộc Tổ chức nghiên cứu Rand Corporation (Mỹ) cho rằng COMPTUEX được thiết kế chủ yếu để đối phó Nga, nhưng cũng có thể được áp dụng cho các kịch bản tác chiến trên biển khác, trong đó kịch bản liên quan Trung Quốc ở Biển Đông.
Thông tin về cuộc tập trận nói trên của Trung Quốc được đưa ra một ngày sau khi tổ chức theo dõi tình hình Biển Đông SCSPI thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) viết trên Twitter rằng tàu giám sát USNS Impeccable của hải quân Mỹ đi qua vùng biển xung quanh quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền VN nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, từ ngày 23.2. Cũng theo SCSPI, Mỹ đã cho một máy bay trinh sát bay trên Biển Đông hôm 27.2.
Trước đó, vào ngày 23.2, CCTV đưa tin một trung đoàn oanh tạc cơ thuộc Chiến khu Nam bộ tổ chức cho ít nhất 10 máy bay ném bom tiến hành cuộc tập trận tấn công trên biển sau kỳ nghỉ tết. CCTV dẫn lời Chỉ huy trung đoàn oanh tạc cơ Lý Hải Đào cho hay tham gia tập trận, các oanh tạc cơ phóng tên lửa nhắm vào nhiều mục tiêu trên biển. CCTV không nói rõ vị trí tập trận của 10 máy bay ném bom trong khi Hoàn Cầu thời báo lưu ý cuộc tập trận diễn ra sau khi hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận chung ở Biển Đông vào ngày 9.2.
Hồi tuần rồi, Trung Quốc cũng thông báo sẽ tập trận từ 1 - 31.3 tại vịnh Bắc bộ. Đối chiếu tọa độ được cung cấp, khu vực tập trận nằm bên phía Trung Quốc.

Pháp, Anh “hướng đông”

Trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng hoạt động gây quan ngại ở Biển Đông, một số nước châu Âu cũng điều tàu chiến đến khu vực. SCMP hôm qua đưa tin tàu đổ bộ tấn công Tonnerre và tàu hộ vệ Surcouf của Pháp gần đây đã bắt đầu chuyến tuần tra và huấn luyện kéo dài 3 tháng đến Thái Bình Dương.

Anh, Pháp tăng cường hoạt động quân sự ở Biển Đông

Trong chuyến hải hành này, hai tàu sẽ đi qua Biển Đông hai lần và tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng 5. Trước đó, vào ngày 8.2, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly viết trên Twitter rằng nước này đã điều tàu ngầm Emeraude đến tuần tra ở Biển Đông. Giới phân tích cho rằng Pháp sẽ tiếp tục củng cố hiện diện quân sự ở Biển Đông để phản đối yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển này, theo SCMP.
Ngoài ra, tờ The Times hôm qua dẫn lời Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh Nick Carter cho hay hải quân nước này sẽ hiện diện thường xuyên trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời cho rằng Trung Quốc là thế lực ngày càng gia tăng nên sẽ là “thách thức chiến lược” của Anh. Dự kiến vào tháng 5, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh sẽ bắt đầu sứ mệnh tại khu vực và sớm đến Đông Á.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.