Khi chủ nhân Nhà Trắng 'tuýt'

07/02/2018 10:18 GMT+7

Năm 2017, giới quan chức Nhà Trắng đã không ít lần tốn công sức để giải quyết các lùm xùm do những đoạn “tuýt” của Tổng thống Donald Trump đưa ra.

Khoảng 10 năm gần đây, mạng xã hội thực sự bùng nổ trên toàn thế giới. Và cũng trong chừng ấy năm, giới chính trị gia Mỹ đã tận dụng mạng xã hội để thông tin về chính sách, vận động tranh cử và... cãi nhau.
Trong đó, phần lớn các chính trị gia xứ sở cờ hoa sử dụng Twitter dù phương tiện này không cho phép “múa phím” thoải mái - bởi đến nay cũng chỉ cho phép viết 280 ký tự mỗi lần “tuýt” (tweet - viết nội dung chia sẻ).
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama được xem là chủ nhân Nhà Trắng đầu tiên tích cực dùng Twitter. Đến nay, dù không còn tại vị nhưng ông vẫn nằm ở vị trí thứ 3 trong danh sách những tài khoản Twitter có nhiều người theo dõi nhất. Có đến 98,7 triệu người theo dõi ông Obama trên mạng xã hội này, chỉ xếp sau nữ ca sĩ Katy Perry (khoảng 108 triệu người theo dõi) và nam ca sỹ Justin Bieber (khoảng 105 triệu người theo dõi).
Giờ đây, vị cựu tổng thống này chủ yếu “tuýt” thông qua tài khoản cá nhân để nói về các hoạt động xã hội, cộng đồng mà ông tham dự hoặc quan tâm. Thế nhưng ông vẫn thu hút người quan tâm không thua kém giai đoạn dùng tài khoản chính thức của Tổng thống Mỹ (POTUS).
Trong khi đó, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump lại đứng thứ 20 với khoảng 46,2 triệu người theo dõi, chưa bằng một nửa của người tiền nhiệm. Mặc dù vậy, cũng chỉ ông Trump và ông Obama là các chính trị gia nằm trong “top 20” của Twitter. Đặc biệt, tài khoản của ông Trump thuộc nhóm đầu về tính “nhộn nhịp” bởi ông “tuýt” khá thường xuyên. Gần như ngày nào ông cũng “tuýt”, có ngày không dưới 5 lần.
Không những viết nhiều, mà cách viết và nội dung Tổng thống Trump đưa ra cũng gây không ít tranh cãi, thậm chí rất “sốc”. Trong đó, “Fake news” (tin giả) là từ khóa phổ biến mà chủ nhân Nhà Trắng thường dùng để lên án các phương tiện truyền thông chỉ trích ông. Hàng loạt báo đài như The New York Times, CNN... đã bị ông Trump gắn cho mác “Fake news” kèm theo những lời chỉ trích nặng nề.
Hồi giữa tháng 11.2017, ông từng viết rằng: “Ở Mỹ thì FoxNews (luôn ủng hộ ông Trump - NV) quan trọng hơn CNN rất nhiều, nhưng ngoài nước Mỹ thì CNN đại diện cho nước Mỹ, vậy mà CNN toàn đăng tin dối trá khiến thế giới không có cái nhìn đúng về Mỹ”. Đoạn “tuýt” nhanh chóng gây tranh cãi, khiến đại diện của CNN phải “tuýt” lại rằng: “Đại diện cho Mỹ là việc của ông, không phải của chúng tôi. Việc của CNN là đưa tin với sự thật là trên hết”.
Cũng qua Twitter, chủ nhân Nhà Trắng từng đăng một đoạn clip được xử lý kỹ xảo cảnh ông đánh vào mặt một người mà khuôn mặt được gắn logo của CNN. Sau đó, đương kim Tổng thống Mỹ bị báo giới lên án nặng nề. Có lẽ một điểm thua cho ông Trump là tài khoản của CNN xếp thứ 16, tức đứng trên ông, trong danh sách tài khoản Twitter thu hút nhiều người xem nhất.
Nhiều cá nhân làm trong ngành truyền thông cũng từng bị ông Trump chỉ trích Twitter dẫn đến “tiếng bấc ném qua, tiếng chì ném lại” khá ồn ào. Điển hình là sau khi bị nữ ký giả Mika Brzezinski (con gái của nhà ngoại giao huyền thoại Zbigniew Brzezinski) chỉ trích trên sóng truyền hình, Tổng thống Trump đã không ngần ngại “tuýt” lại bằng những từ ngữ thiếu bặt thiệp. Vụ việc lùm xùm đến mức Nhà Trắng phải tổ chức họp báo chính thức, rồi hứng chịu không ít chỉ trích.
Không chỉ nhắm vào báo giới, ông Trump còn chỉ trích lãnh đạo nhiều nước như CHDCND Triều Tiên, Iran, Pakistan... bằng các đoạn “tuýt”. Kết quả, sự phẫn nộ đã lan ra ở nhiều nước khiến cho đại diện ngoại giao của Mỹ phải ra sức giải thích, xoa dịu đối tác. Thậm chí, có đoạn “tuýt” của ông khiến cho tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng. Cũng vì lẽ đó mà vào đầu tháng 1.2018, một nhóm nghị sĩ Mỹ đề nghị giám định sức khỏe tâm thần của ông Trump dẫn đến một cuộc “khẩu chiến” trên chính trường xứ cờ hoa. Mọi chuyện càng căng thẳng hơn khi nhiều nghị sĩ, chính trị gia cùng người dân áp lực đòi Twitter phải thu hồi tài khoản của ông Trump. Tất nhiên, yêu cầu này không được đáp ứng. Trong khi đó, đương kim Tổng thống Mỹ có vẻ sẽ không dừng “tuýt” theo phong cách lâu nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.