Khám phá dàn chiến hạm nước ngoài thăm Việt Nam

23/04/2017 09:00 GMT+7

Nhiều tàu chiến của hải quân các nước đã ghé thăm các cảng của Việt Nam thời gian gần đây.

Chỉ trong khoảng 2 tuần qua, nhiều tàu chiến của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản, hải quân New Zealand, hải quân Thái Lan và hải quân Pháp đã ghé thăm các cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), Cam Ranh (Khánh Hòa), cảng Phú Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu) và TP.HCM.
Sáng 11.4, tàu khu trục Fuyuzuki (DD-118) của Nhật đã cập cảng Cam Ranh cho chuyến thăm hữu nghị VN từ ngày 11 - 15.4.
Siêu chiến hạm Nhật
DD-118 là chiếc cuối cùng của lớp tàu khu trục Akizuki vốn được mệnh danh “siêu chiến hạm” có hệ thống điều khiển, tác chiến điện tử hiện đại gần tương đương lớp tàu Zumwalt “khủng nhất” của Mỹ hiện nay. Tàu khu trục lớp Akizuki sở hữu hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng lên đến 32 ống phóng nhiều loại tên lửa đối không, tên lửa chống tàu ngầm... kết hợp cùng hệ thống ngư lôi, pháo cận chiến tạo ra khả năng tác chiến đa nhiệm, được biên chế với vai trò bảo vệ các tàu khu trục mang máy bay trực thăng Hyuga và Izumo.
Đặc biệt, khu trục hạm lớp Akizuki được trang bị mạng lưới điện tử điều khiển tác chiến ATECS rất hiện đại, cho phép công thủ toàn diện. Mạng lưới này bao gồm hệ thống kiểm soát hỏa lực FCS-3, hệ thống chống tàu ngầm AWSCS, hệ thống kiểm soát tác chiến điện tử EWSC và nhiều thiết bị khác, nên đủ sức đánh chặn các tên lửa bay thấp tới mức nằm ngoài tầm phát hiện của lá chắn tên lửa Aegis. Ngoài ra, ATECS có thể “điểm mặt” những loại tàu ngầm hiện đại từ xa để phóng ngư lôi đánh chặn hoặc điều trực thăng săn ngầm H-60, được mang theo trên chiến hạm Akizuki, tấn công đối thủ.
Cuối năm 2015, tại Biển Đông, tàu khu trục Fuyuzuki từng có cuộc tập trận chung cùng hải quân Mỹ, với sự góp mặt của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Tinh hoa châu Úc
Một ngày sau khi DD-118 cập bến Cam Ranh, chiều 12.4, tàu HMNZS Te Kaha (F77) thuộc hải quân Hoàng gia New Zealand cũng đến Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm kéo dài 5 ngày tại VN. Theo TTXVN, trước khi cập cảng, F77 đã cùng tàu Hải quân nhân dân VN tiến hành một số hoạt động chung trên biển về thông tin liên lạc và vận động đội hình. HMNZS Te Kaha là tàu hộ tống thuộc lớp Anzac hiện đang có 10 chiếc, gồm 8 chiếc do hải quân Úc sử dụng và 2 chiếc nằm trong lực lượng tàu chiến của New Zealand. Đây cũng là một trong những dòng chiến hạm chủ lực mà hải quân Úc dùng để gia tăng hiện diện tại khu vực Thái Bình Dương trước nhiều bất ổn đang tiềm ẩn.
Vào năm 2012, tạp chí Jane’s Defence Weekly dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc khi đó là Stephen Smith đã giới thiệu kế hoạch nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa cho đội tàu hộ tống lớp Anzac, giúp nâng cao khả năng cảnh báo để phát hiện các tên lửa bay ở độ cao thấp từ khoảng cách 30 hải lý (tương đương 55 km). Đến năm 2014, New Zealand cũng tiếp bước của Úc để nâng cấp hệ thống phòng không cho 2 hộ tống hạm lớp Anzac mà nước này sở hữu.
Sau Nhật và New Zealand, hải quân Hoàng gia Thái Lan cũng đã có biên đội 3 tàu gồm tàu hộ vệ tên lửa HTMS Chao Phraya (FF-455), tàu hộ vệ tên lửa HTMS Makutra Jakumarn (FF-443) và tàu tuần tra xa bờ HTMS Narathiwat (OPV-512) cập cảng Cam Ranh ngày 14.4, bắt đầu chuyến thăm VN từ ngày 14 - 18.4. Trong đó, HTMS Chao Phraya là tàu hộ vệ thuộc lớp Type 053 do Trung Quốc phát triển. Chiếc HTMS Makut Rajakumarn thì khá cũ khi ra đời từ thập niên 1970, tàu HTMS Narathiwat cũng do Trung Quốc đóng.
Dấu ấn Pháp
Đến ngày 15.4, đoàn tàu của hải quân Pháp gồm tàu chỉ huy, tàu đổ bộ Mistral cùng tàu hộ tống Le Courbet bắt đầu chuyến thăm VN từ ngày 15 - 21.4. Tàu Mistral neo tại cảng Phú Mỹ, còn tàu Le Courbet cập bến TP.HCM. Tàu Le Courbet thuộc lớp La Fayette tích hợp khả năng tàng hình, hiện có 20 chiếc trên thế giới. Trong đó, Pháp có 5 chiếc thuộc lớp này, trong khi Đài Loan và Singapore đều sở hữu 6 chiếc. Phiên bản mà Singapore sở hữu có tên gọi là lớp Formidable. Hộ tống hạm lớp La Fayette có khả năng tác chiến đa nhiệm với hệ thống điều khiển điện tử hiện đại, được xem là một trong các dấu ấn về công nghiệp quốc phòng của Pháp.
Không riêng gì Le Courbet, chiếc Mistral cũng được xem là một dấu ấn của tàu chiến Pháp khi sở hữu khả năng vượt trội với độ choán nước khoảng 20.000 tấn. Dòng tàu đổ bộ này có thể chở đến 900 binh sĩ, 35 máy bay trực thăng hạng nhẹ hoặc 16 máy bay trực thăng hạng nặng. Hiện Pháp có 5 chiếc tàu thuộc lớp này và chúng có sức hấp dẫn đến mức Nga từng thỏa thuận mua. Tuy nhiên, sau những gì diễn ra ở Ukraine, vì lý do ủng hộ phương Tây trừng phạt Moscow, Pháp đã hủy đơn hàng của Nga.
Vị thế đối ngoại của Hải quân VN
Trả lời Thanh Niên vào ngày 22.4, giới chuyên gia quốc tế đều đánh giá cao việc ngày càng có nhiều tàu chiến nước ngoài ghé thăm VN.
Khám phá dàn chiến hạm nước ngoài thăm VN
       
Ông Gregory B.Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải AMTI - thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ): Việc những tàu chiến nước ngoài đến thăm là phù hợp với chính sách của VN trong việc duy trì chính sách đối ngoại độc lập, đồng thời có sự chuẩn bị cần thiết trong bối cảnh hiện tại còn ẩn chứa nhiều căng thẳng ở khu vực. VN khẳng định không liên minh để chống lại nước khác, nhưng hướng đến tăng cường hợp tác an ninh với nhiều quốc gia để củng cố vị thế.
       
TS Patrick M.Cronin, Giám đốc cấp cao chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới (Mỹ): Đây là một bước đi khôn khéo của VN để tăng cường hợp tác an ninh với các đối tác trong khu vực.
       
PGS Stephen R.Nagy, chuyên ngành chính trị và quốc tế - Đại học Cơ đốc giáo quốc tế (Nhật Bản): Thách thức an ninh của VN chính là vấn đề tranh chấp chủ quyền mà cần hướng đến giải quyết đa phương. Cho nên việc mở rộng quan hệ với các đối tác trong khu vực là cần thiết. Qua đó, VN cùng các đối tác chia sẻ các quy tắc chung nhằm hợp tác giải quyết thách thức. Trong tương lai, tôi kỳ vọng VN sẽ tăng cường hợp tác hơn nữa với các đối tác như Mỹ, Nhật và một số nước khác để không chỉ nhắc nhở nhau những quan ngại an ninh, mà còn xây dựng sự đồng thuận nhằm ổn định tình hình khu vực.
Khám phá dàn chiến hạm nước ngoài thăm VN
       
TS Koh Swee Lean Collin, chuyên gia quân sự của Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore): Kể từ khi cảng Cam Ranh được mở cửa gần đây, đã đón nhiều tàu chiến đến thăm. Điều đó không chỉ giúp tăng cường an ninh cho VN mà còn giúp kích thích kinh tế địa phương. Ngược lại, Hải quân VN gần đây cũng ghé thăm hải cảng nước ngoài. Điều này thể hiện một sự tự tin, vững vàng của Hải quân VN đang ngày càng tăng trong việc phối hợp các hoạt động ở khu vực cũng như khẳng định chính sách ngoại giao quốc phòng của VN.
Khám phá dàn chiến hạm nước ngoài thăm VN
       
TS Satoru Nagao, chuyên nghiên cứu về an ninh tại Đại học Gakushuin (Nhật Bản): Đây là diễn biến rất tốt cho VN trong bối cảnh hướng đến giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đa phương. Việc nhiều tàu chiến ghé thăm VN góp phần để các nước hiểu rõ vai trò quan trọng của Biển Đông đối với tuyến hàng hải quốc tế. Chính vì thế, các quốc gia cần cùng nhau hợp tác để đảm bảo an ninh tuyến hàng hải quan trọng này. Và thực tế các nước cũng cần tăng cường hợp tác đảm bảo ổn định cho Biển Đông. Cụ thể, đối với Mỹ thì Biển Đông là biểu tượng để nước này thể hiện, tiếp tục củng cố vị thế trên biển. Hay Nhật thì cần sự ổn định của vùng biển lân cận. Việc tăng cường hiện diện trên Biển Đông giúp Ấn Độ đẩy mạnh hơn vị thế ở Đông Nam Á - vốn nằm trong chiến lược “Hành động hướng Đông” mà nước này đang theo đuổi. Qua đó, VN cũng tăng cường vị thế và quan hệ với nhiều nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.