Kênh đào Suez tắc, Nga nửa đùa nửa thật đề xuất dùng tuyến hàng hải phương bắc thay thế

26/03/2021 17:49 GMT+7

Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga (Rosatom) đã nhân cơ hội tàu hàng bị mắc kẹt ở kênh đào Suez để quảng bá về tuyến đường biển phương bắc mà Moscow xây dựng.

Tàu chở container MV Ever Given treo cờ Panama do Nhật Bản sở hữu ngày 23.3 bị gặp sự cố và nằm chắn ngang kênh đào Suez, gây tắc nghẽn tuyến đường biển quan trọng chiếm hơn 10% khối lượng thương mại hàng hải toàn cầu.
Chớp cơ hội này, Tập đoàn năng lượng nguyên tử nhà nước Nga (Rosatom) đã đăng lên Twitter những lý do thế giới nên cân nhắc sử dụng Tuyến đường biển phương bắc (NSR) để thay thế cho tuyến đường đi qua kênh đào Suez.

Tuyến hàng hải phương bắc (màu xanh) và tuyến hàng hải qua kênh đào Suez

Ảnh chụp màn hình RT

Thứ nhất, “NSR có nhiều không gian hơn để vẽ những hình vẽ kỳ cục bằng những con tàu khổng lồ của các bạn”, Rosatom viết. Trước đó, dữ liệu di chuyển của tàu MC Ever Given cho thấy đường di chuyển của con tàu này tại biển Đỏ trước khi bị mắc kẹt có hình “của quý”.
Lý do thứ hai được Rosatom nêu ra là Nga có nhiều tàu phá băng, có thể cứu hộ trong trường hợp các tàu hàng bị mắc kẹt khi di chuyển qua NSR. Rosatom tuyên bố tập đoàn này có thể cung cấp dữ liệu thời gian thật về thời tiết, hải lưu, dòng chảy của các tảng băng và những thông tin quan trọng khác cho việc di chuyển qua NSR.

Dữ liệu hàng hải cho thấy tàu Ever Given đã vẽ hình "của quý" trước khi bị mắc kẹt tại kênh đào Suez

Ảnh chụp màn hình Metro

Cuối cùng, Rosatom cảnh báo di chuyển qua kênh đào Suez có nguy cơ bị mắc kẹt trong nhiều ngày.
Theo tờ The Moscow Times, Nga coi việc mở rộng NSR là một trong những vấn đề quan trọng trong việc phát triển. Hồi năm 2018, Tổng thống Vladimir Putin đặt mục tiêu tăng cường lưu lượng vận chuyển hàng hằng năm qua NSR lên 80 triệu tấn khối vào năm 2024.

8 tàu kéo nỗ lực giải cứu tàu container "cá voi mắc cạn" ở kênh Suez

Tuy nhiên theo tờ The Barents Observer, dù NSR rút ngắn khoảng cách giữa các cảng ở Trung Quốc và châu Âu xuống 40% so với kênh đào Suez, nhưng tuyến hàng hải qua Bắc Băng Dương này vẫn chưa thể cạnh tranh với tuyến hàng hải qua kênh đào Suez hay tuyến hàng hải vòng qua Mũi Hảo Vọng ở châu Phi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.