Kế hoạch Schengen quân sự tại châu Âu

30/03/2018 07:21 GMT+7

EU công bố kế hoạch cho phép tăng tốc độ chuyển quân và khí tài xuyên suốt lãnh thổ các thành viên trong bối cảnh căng thẳng với Nga dâng cao.

Trong lúc nguy cơ chiến tranh lạnh mới đang manh nha sau vụ đầu độc cựu điệp viên nhị trùng Nga và con gái tại Anh, Ủy ban Châu Âu hôm qua đưa ra kế hoạch nhằm tạo điều kiện cho hoạt động chuyển quân được nhanh chóng trong nội bộ khối. Theo Reuters, mục tiêu của kế hoạch Hành động về tăng tốc quân sự (APMM) hướng đến loại bỏ các rào cản pháp lý, thủ tục và cơ sở hạ tầng đang cản trở việc hành quân trên lãnh thổ các nước thành viên trong trường hợp cần kíp. Kế hoạch còn được gọi một cách không chính thức là Schengen quân sự vì dựa trên tinh thần tương tự Hiệp ước Schengen được 26 nước châu Âu ký kết cho phép tự do đi lại và loại bỏ các chốt hải quan đường bộ tại biên giới.
Theo các nguồn tin, APMM được đẩy nhanh tiến độ sau cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Belarus và Nga mang tên Zapad-2017 hồi tháng 9 năm ngoái. Zapad có nghĩa là “Hướng tây” và với sự tham gia của khoảng 13.000 quân nhân, đây là một trong những cuộc phô diễn lực lượng lớn nhất của Nga và đồng minh tại khu vực sát sườn NATO lẫn EU. Sau đó, một nhà ngoại giao châu Âu thừa nhận với AFP rằng “giờ đây chúng tôi không còn có thể chắc chắn là sẽ không bao giờ nổ ra xung đột ở châu Âu”.
Vì thế, cách tiếp cận theo mô hình Schengen được đánh giá là vô cùng quan trọng đối với NATO để vượt qua những trở ngại thủ tục ở biên giới hoặc tình trạng không đồng bộ về cầu đường nên không chịu nổi tải trọng và kích thước của các loại xe tăng, thiết giáp…
Vì những quy định khác nhau tại 28 thành viên EU, nhiều cây cầu, đường hầm quá hẹp hoặc quá yếu, không phù hợp cho các dòng thiết bị quân sự hạng nặng. Dù binh lực có thể được triển khai bằng đường không, các sư đoàn pháo binh, xe tăng và thiết giáp vẫn cần phải có các tuyến đường bộ, đường sắt và các cơ sở hạ tầng khác phù hợp để ứng phó nhanh khi xảy ra biến cố.
Một thách thức khác là khác biệt về thủ tục hành chính và tình trạng quan liêu tại một số nước. “Cùng là thành viên NATO nhưng nếu muốn đưa xe tải quân sự chở hàng hóa, quân nhu bình thường vào Ý, bạn chỉ cần thông báo trước 48 giờ, trong khi những nơi khác cần đến 14 ngày làm việc”, AFP dẫn lời chuyên gia Elisabeth Braw của Hội đồng Đại Tây Dương (trụ sở tại Mỹ) cho hay. Trong một số trường hợp, các đoàn xe quân sự buộc phải đăng ký trước nhiều tháng với đầy đủ chi tiết, thậm chí cả số xe, tên tuổi tài xế... Nếu xung đột bất ngờ nổ ra, rõ ràng đây là những trở ngại làm hạn chế nghiêm trọng năng lực điều binh của NATO.
“Bằng cách tạo điều kiện cho quân đội được điều động nhanh chóng trong nội bộ EU, chúng ta có thể ngăn chặn khủng hoảng một cách hiệu quả hơn, triển khai các sứ mệnh nhanh chóng hơn, và phản ứng nhanh khi có biến”, Reuters dẫn lời Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini nhấn mạnh khi thông tin về APMM. Từ năm ngoái, các bên đã tiến hành triển khai thí điểm nhằm xác định những “nút thắt” dọc tuyến hành quân biển Bắc - Baltic, nơi Nga thường xuyên tập trận và tăng cường năng lực quân sự ở Kaliningrad. Đến nay, kế hoạch đã được chuyển cho các quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu để thảo luận. Dự kiến muộn nhất là vào đầu năm sau, Ủy ban Châu Âu sẽ đưa ra chi tiết cụ thể về các tuyến đường lý tưởng nhất cho hoạt động chuyển quân tại châu Âu để triển khai những bước cải tổ hạ tầng thích hợp như xây thêm cầu, nới rộng đường hầm, gỡ bỏ bớt giấy tờ thủ tục…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.