Kế hoạch phòng thủ tên lửa của Tổng thống Biden

22/02/2021 05:00 GMT+7

Là người lo ngại về khả năng khơi mào chạy đua vũ trang của các hệ thống phòng thủ tên lửa, liệu Tổng thống Joe Biden sẽ đưa ra kế hoạch nào để bảo vệ nước Mỹ trước những cuộc tấn công bằng tên lửa chiến lược?

Lầu Năm Góc mới đây thông báo đang trong quá trình xem xét và sẽ chọn ra nhà thầu phát triển các đầu đạn dùng cho tên lửa của các hệ thống phòng thủ tại Alaska và California. Theo Bloomberg, quyết định sẽ được đưa ra trong tháng 2 và một trong số các công ty Northrop Grumman, Lockheed Martin và Boeing sẽ có cơ hội nhận hợp đồng phát triển thêm 20 đầu đạn mới, thay thế cho chương trình từng được xây dựng dưới thời Tổng thống Barack Obama nhưng cuối cùng bị hủy bỏ dưới thời Tổng thống Donald Trump vào năm 2019, tiêu tốn 1,2 tỉ USD.
Bước đi này được cho là sự khẳng định của Tổng thống Joe Biden về việc xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, bảo vệ lục địa Mỹ trước mối đe dọa tên lửa đạn đạo tầm xa.
Trước nay, Tổng thống Joe Biden bị coi là người có thành kiến đối với các hệ thống phòng thủ chống các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa. Dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, thượng nghị sĩ Biden phản đối các đề xuất xây dựng hệ thống phòng thủ chiến lược. Dưới thời Tổng thống George W. Bush, ông Biden phản đối quyết định rút khỏi Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo của chính quyền.

Quân đội Mỹ tung video thử tên lửa phòng thủ

Phòng thủ bằng cách răn đe

Đảng Cộng hòa chủ trương xây dựng hệ thống phòng thủ thật mạnh vì họ không tin rằng các hiệp ước kiểm soát vũ khí có thể giúp Mỹ tránh khỏi các cuộc tấn công hạt nhân. Trong khi đó, đảng Dân chủ lập luận rằng vì không thể phòng thủ trước hàng trăm đầu đạn hạt nhân lao tới, nên cách tốt nhất là răn đe các đối thủ không nên tấn công trước. Để đạt được sức răn đe này, họ chủ trương xây dựng năng lực tấn công đáp trả mạnh mẽ.
Theo cây bút chuyên mảng quốc phòng Loren Thompson của Forbes, Tổng thống Barack Obama và Phó tổng thống Biden đã hủy bỏ nhiều chương trình phòng thủ chiến lược của Mỹ, gồm các chương trình nhằm tiêu diệt tên lửa tầm xa khi vừa được phóng, giảm số lượng tên lửa đánh chặn, ngừng tài trợ cho chương trình vệ tinh theo dõi tên lửa tấn công Mỹ...
Đảng Dân chủ lo ngại việc xây dựng hệ thống phòng thủ sẽ khiến Nga và Trung Quốc phát triển tên lửa mạnh hơn, xa hơn để đánh bại các hệ thống phòng thủ này, dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang, gây mất tính ổn định chiến lược được ràng buộc trong các hiệp ước hạt nhân.
Tuy nhiên, sự phát triển năng lực tên lửa của các nước như CHDCND Triều Tiên hay Iran, cộng với việc Nga và Trung Quốc phát triển những loại vũ khí bội siêu thanh mới buộc giới lãnh đạo Mỹ phải điều chỉnh tính toán chiến lược.
Dù chính phủ phải cân nhắc chi tiêu để tránh việc ngân sách liên bang tăng quá cao, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng kinh tế, nhưng điều đó được cho là không thấm vào đâu so với những thiệt hại nếu như nước Mỹ hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân.

Hệ thống GMD phóng tên lửa đánh chặn trong một lần thử nghiệm

Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ

Lựa chọn nào cho ông Biden?

Giới chuyên gia nhận định Tổng thống Biden nên tránh lặp lại con đường cũ và cần có biện pháp đối phó rõ ràng với mối đe dọa tên lửa ngày càng tăng từ các đối thủ.
Hành động cần làm đầu tiên được khuyến nghị là nâng cấp Hệ thống phòng thủ GMD chuyên chống tên lửa đạn đạo liên lục địa ở giai đoạn giữa của hành trình bay. GMD được cho là hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo liên lục địa duy nhất đang hoạt động trên lục địa Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Obama từng có kế hoạch giảm số tên lửa đánh chặn của GMD xuống 30 chiếc nhưng cuối cùng giữ nguyên số lượng 44 tên lửa, đặt tại 2 căn cứ ở Alaska và California. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bổ sung thêm 20 tên lửa nữa.
Tiếp theo, Tổng thống Biden được khuyên là nên phát triển một loại tên lửa đánh chặn thế hệ mới vì nâng cấp GMD chỉ là giải pháp tạm thời, do các đối thủ ngày càng gia tăng năng lực của lực lượng tên lửa. Bên cạnh đó, chính quyền mới cũng cần nâng cấp thêm cho các hệ thống phòng thủ như Patriot, Aegis hay THAAD để tạo thêm nhiều lớp phòng thủ.
Theo Dự án phòng thủ tên lửa của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), các hệ thống vừa nêu chỉ được xếp vào loại phòng thủ khu vực, chuyên đối phó tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung, và ít có khả năng chống lại tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Ngoài ra, việc xây dựng một mạng lưới vệ tinh để phát hiện và theo dõi các cuộc tấn công tên lửa chiến lược cũng là điều cần được tính đến để gia tăng tỷ lệ thành công trong việc đánh chặn. Theo giới chuyên gia, các mối đe dọa đối với nước Mỹ đã biến đổi nhiều so với điều mà giới hoạch định quân sự dự liệu, do đó chính quyền cần hành động sớm để ngăn ngừa những cuộc tấn công bất ngờ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.