Kế hoạch chế tạo siêu chiến binh của Mỹ

Khánh An
Khánh An
07/12/2019 09:00 GMT+7

Tốc độ phát triển công nghệ hứa hẹn giúp quân đội Mỹ tạo ra những chiến binh siêu năng lực “nửa người, nửa máy” vào năm 2050.

Bộ Tư lệnh Phát triển khả năng chiến đấu (CCDC) Mỹ vừa công bố nghiên cứu về những chiến binh tương lai được hỗ trợ công nghệ đem lại năng lực phi thường, đồng thời đặt ra nhiều thách thức về đạo đức, pháp lý và tác động xã hội.
Nghiên cứu được Hội đồng Công nghệ sinh học vì sức khỏe và năng lực con người thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện. Nghiên cứu này dự báo, tới năm 2050, những chiến binh tương lai có vô số năng lực mà hiện tại chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng. Trang Business Insider dẫn lời tiến sĩ Peter Emanuel dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết nhờ tích hợp giữa sinh học, cơ khí và trí tuệ nhân tạo (AI), các chiến binh tương lai sẽ có thị lực, thính lực, khả năng suy nghĩ, liên lạc và di chuyển mà người bình thường không bao giờ có được.

Siêu thị lực, thính lực

Theo nghiên cứu, siêu chiến binh sẽ có tầm nhìn, khả năng quan sát, tổng hợp hình ảnh vượt trội, cũng như khả năng phân tích hình ảnh từ những bước sóng ánh sáng để xác định mục tiêu trong nhiều môi trường khác nhau. Song song đó, họ thậm chí còn nhận hình ảnh trực tuyến thu được từ mắt của đồng đội.
Nhóm nghiên cứu đề xuất Bộ Quốc phòng Mỹ nên cân nhắc lại quan niệm của thế giới đối với việc tạo một sản phẩm “nửa người, nửa máy”, bên cạnh việc dùng các diễn đàn như NATO để thảo luận ảnh hưởng của các chiến binh này khi phối hợp với các lực lượng đồng minh. Lầu Năm Góc cần minh bạch trong việc ứng dụng các công nghệ nhằm đề phòng quan ngại. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo cần đẩy mạnh nghiên cứu những công nghệ liên quan nhằm ứng dụng cả trong lĩnh vực thương mại chứ không chỉ quốc phòng. Sau cùng, cần theo dõi sát sao lo ngại an toàn về lâu dài cùng những tác động của công nghệ đối với xã hội.
Về thính lực, xương tai giữa và ốc tai có thể được điều chỉnh hoặc thay thế nhằm tăng cường phạm vi thính lực, mở rộng ngưỡng nghe, kết hợp với khả năng lọc âm thanh tần số có hại, tăng khả năng cảm nhận âm thanh tần số thấp mà tai người bình thường không nghe được. “Trên thực tế, binh sĩ trên chiến trường thường bị giảm thính lực do thường xuyên tiếp xúc với âm thanh cường độ cao như tiếng súng, tiếng nổ và tiếng máy móc quân sự. Đây là một trong những khuyết tật phổ biến nhất của các cựu binh Mỹ”, nghiên cứu chỉ rõ.
Chưa hết, họ còn có thể được tăng cường thể lực và sức mạnh cơ bắp thông qua hệ thống cảm biến quang sinh dưới da, có vai trò kích thích tế bào bằng các sóng quang học được lập trình sẵn, kết hợp với các cảm biến bên ngoài nối với một hệ thống điều khiển trung tâm.

[VIDEO] Quân đội Mỹ nghiên cứu "khung xương" cho "siêu chiến binh"

Điều khiển bằng ý nghĩ

Tuy nhiên, ý tưởng thú vị và mang tính khoa học viễn tưởng nhất là cấy ghép thần kinh giúp các chiến binh điều khiển vũ khí, hệ thống UAV và những máy móc điều khiển từ xa bằng ý nghĩ. Đây là một thách thức lớn trong lĩnh vực công nghệ. “Điều chúng ta cần nắm bắt là đưa mức độ trao đổi dữ liệu đến cấp độ 1 tế bào”, theo tiến sĩ Emanuel. Ông tiết lộ rằng công nghệ này đang được nghiên cứu nhưng có thể phải mất nhiều thập niên nữa mới thành công.
Một nghiên cứu khác của Hội đồng Công nghệ sinh học vì sức khỏe và năng lực con người mới đây dự báo việc cấy ghép thần kinh có thể sẽ được tiến hành đối với phi công, người điều khiển UAV và các điệp viên vào năm 2030. Trong khi đó, ông Emanuel cho rằng những công nghệ này sẽ phục vụ không chỉ trong chiến tranh mà còn giúp thay đổi cách con người nhận thức về thế giới và mục đích tồn tại.
Theo chuyên san Army Times, những công nghệ trong tương lai sẽ giúp ích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dù gây lo ngại về đạo đức, pháp lý và việc phát sinh các vấn đề xã hội khác. “Việc đưa những con người được tăng cường năng lực vào xã hội sau năm 2050 có thể dẫn đến mất cân bằng, bất bình đẳng về pháp lý, an ninh và đạo đức”, nghiên cứu dự báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.