John McCain và duyên nợ với Việt Nam

27/08/2018 08:07 GMT+7

Từ đối thủ rồi thành bạn bè, từ chiến tranh đến bình thường hóa quan hệ, Việt Nam là một phần gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của thượng nghị sĩ John McCain.

Chiều 25.8 (rạng sáng qua, giờ Việt Nam), Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain qua đời ở tuổi 82 sau thời gian chống chọi căn bệnh ung thư não, để lại một sự nghiệp đồ sộ và giàu ảnh hưởng bậc nhất tại nước này. Trong hơn 30 năm đại diện bang Arizona tại quốc hội Mỹ và 2 lần tranh cử tổng thống, thượng nghị sĩ (TNS) đảng Cộng hòa McCain luôn thể hiện quan điểm độc lập, thái độ khẳng khái và được cả hai đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ ngưỡng mộ. Năm 2017, khi trả lời câu hỏi: “Ông muốn được nhớ đến với hình ảnh là một người như thế nào?” của phóng viên Đài ABC, cây đại thụ trên chính trường Mỹ đáp: “Là một người phụng sự đất nước”.
[VIDEO] Thế giới tiếc thương ‘anh hùng Mỹ đích thực’ John McCain
Vượt qua hận thù
Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của TNS McCain chính là mối duyên nợ với Việt Nam. Ngày 26.10.1967, máy bay cường kích A-4 Skyhawk do ông điều khiển bị bắn hạ trên bầu trời Hà Nội trong nhiệm vụ bay lần thứ 23 của phi công McCain. Ông trở thành tù binh trong 5 năm ở nhà tù Hỏa Lò và được trả tự do sau Hiệp định Paris 1973. Sau khi trở về Mỹ và bước vào chính trường, TNS McCain đã trở thành một trong những người bạn gắn bó với Việt Nam. Đặc biệt, ông đã cùng một cựu binh Chiến tranh Việt Nam khác là TNS đảng Dân chủ John Kerry (từng là ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Barack Obama) nỗ lực không mệt mỏi cho quá trình bình thường hóa rồi phát triển quan hệ Việt - Mỹ. Cuối cùng, nỗ lực, quyết tâm và sự chân thành của tất cả các bên liên quan đã hội tụ thành một trong những hình ảnh mang tính lịch sử của Mỹ: tháng 7.1995, McCain và Kerry - 2 TNS, 2 cựu binh thuộc 2 đảng luôn đối lập với nhau - cùng chứng kiến Tổng thống Bill Clinton tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.
John McCain và duyên nợ với VN1
Thượng nghị sĩ McCain bắt tay người dân tại hồ Trúc Bạch, nơi máy bay của ông bị bắn rơi năm 1967 Ảnh: Reuters
Trả lời Thanh Niên hôm qua, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh nhận định: “Khi John McCain thoát khỏi Chiến tranh Việt Nam, ông thấy hai đất nước phải vượt qua hận thù quá khứ để thúc đẩy quan hệ. Thời điểm trước khi bình thường hóa quan hệ, câu chuyện tìm kiếm người Mỹ mất tích và giải quyết hậu quả chiến tranh còn rất nặng nề. Cùng với sự hợp tác rất nhân đạo và tốt đẹp của Việt Nam trong vấn đề này, ông McCain đã nhân nó lên trong giới chính trị Mỹ và phối hợp với ông John Kerry thúc đẩy Tổng thống Bush (cha), sau đó là Tổng thống Clinton đi đến một quyết định mà ông đã từng nói là “quyết định khó khăn đối với bất cứ một tổng thống nào của Mỹ” - bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Vai trò của John McCain trong câu chuyện vượt qua giai đoạn kẻ thù, giai đoạn chiến tranh để bình thường hóa là rất quan trọng”.
[VIDEO] Cố thượng nghị sĩ John McCain - những phát ngôn để đời
Từ cá tra đến Biển Đông
Sau khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa và bước vào thời kỳ hợp tác về nhiều mặt, TNS McCain tiếp tục có nhiều đóng góp lớn trong phát triển quan hệ song phương. Ông thực hiện nhiều chuyến thăm Việt Nam, gặp gỡ các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng như thường xuyên thúc giục chính phủ Mỹ tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam thực hiện các dự án xử lý ô nhiễm chất độc da cam/dioxin, khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, phản đối áp thuế phi lý vào mặt hàng cá tra, cá basa của Việt Nam. Vị chính khách kỳ cựu cũng nhiều lần lên tiếng về tình hình Biển Đông, phản đối mạnh mẽ những hành động gây ảnh hưởng tiêu cực đến hòa bình và ổn định tại khu vực. Một trong những dấu ấn cuối cùng của TNS McCain là đóng vai trò then chốt để quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Ủy quyền quốc phòng 2018, trong đó có bao hàm nội dung về an ninh tại Biển Đông.
“Sau khi bình thường hóa, John McCain muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ không chỉ gói gọn trong giải quyết hậu quả chiến tranh, mà mở ra hợp tác về kinh tế, chính trị, tiến tới hợp tác về an ninh quốc phòng. Ông là người rất mong muốn thúc đẩy và đã thúc đẩy từ rất sớm câu chuyện phải dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam, để tới tháng 5.2016, Tổng thống Obama đã chính thức công bố quyết định này khi tới thăm Việt Nam”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói với Thanh Niên.
Tương tự, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường, nguyên Đại sứ tại Mỹ giai đoạn tháng 4.2011 - 11.2014, nhớ lại: “Trong hơn 3 năm làm Đại sứ tại Mỹ, tôi đã có nhiều lần gặp gỡ ông John McCain, khi thì tháp tùng các lãnh đạo Việt Nam, khi thì gặp riêng để trao đổi về đủ các vấn đề: Biển Đông, môi trường, biến đổi khí hậu, TPP... Tôi cũng thích tính cách thẳng thắn trong các phát biểu của TNS: không khoan nhượng, luôn đi vào thẳng vấn đề. Cũng có lần ông bày tỏ lo lắng là sau thế hệ của ông và những người như TNS John Kerry thì trong quốc hội Mỹ sẽ không còn nhiều người hiểu biết đầy đủ và quan tâm thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ nhiều nữa. Vì thế mỗi lần thăm Việt Nam, ông đều chủ ý dẫn theo các TNS trẻ để họ sẽ tiếp tục là những cầu nối cho quan hệ hai nước sau khi ông ra đi”.
Hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên Twitter: “Xin gửi tấm lòng và những lời cầu nguyện đến gia đình” sau khi TNS McCain qua đời. Những người tiền nhiệm của ông cũng đồng loạt lên tiếng bày tỏ tiếc thương. “Vượt trên những bất đồng, chúng tôi có chung một lòng trung thành với lý tưởng mà các thế hệ người dân Mỹ cũng như người nhập cư đấu tranh và hy sinh… Tất cả chúng ta đều mong có thể đặt lòng can đảm lên trên tất cả. John đã thể hiện điều này một cách đầy ý nghĩa và chúng ta nợ ông ấy vì điều đó”, CNN dẫn thông cáo của cựu Tổng thống Barack Obama viết. Vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton ra thông cáo chung: “Ông ấy luôn bỏ chuyện đảng phái sang một bên để làm điều gì tốt nhất cho đất nước, và chưa từng e ngại phá vỡ các khuôn phép nếu cần. Tôi sẽ luôn đặc biệt biết ơn đóng góp của ông vào sự thành công của chúng ta trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”. “Một số cuộc đời quá chói lọi và khó tưởng tượng rằng sẽ có kết thúc. Một số giọng nói quá sôi nổi và khó nghĩ được có lúc lại im tiếng”, cựu Tổng thống George W.Bush, người từng vượt qua ông McCain vào năm 2000 để đại diện đảng Cộng hòa ra tranh cử, ngậm ngùi. Theo Đài CBS, trước khi qua đời, ông McCain đã gửi lời đề nghị các cựu tổng thống Obama và Bush đọc điếu văn tại tang lễ của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.