Iraq cảnh báo ‘chiến tranh’ nếu lính Thổ Nhĩ Kỳ không rút đi

05/10/2016 19:00 GMT+7

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi lên tiếng lo ngại về một cuộc “chiến tranh khu vực” nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục duy trì binh lính ở lãnh thổ Iraq, theo Reuters.

Trong tuyên bố phát trên truyền hình ngày 5.10, ông Haider al-Abadi nói: “Chúng tôi đã hơn một lần yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không can thiệp vào các vấn đề của Iraq, và tôi lo ngại rằng sự liều lĩnh của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biến thành một cuộc chiến tranh khu vực. Cách ứng xử của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là không thể chấp nhận và chúng tôi không muốn lao vào một cuộc đối đầu quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ”.

Trong thời gian gần đây, quan hệ ngoại giao giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ gặp trục trặc khi hai bên triệu tập đại sứ của nhau nhằm làm rõ các biểu hiện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc bỏ phiếu tuần trước đã quyết định mở rộng các hoạt động quân sự tại Iraq và nhắm vào “các tổ chức khủng bố”. Khái niệm này có thể hiểu là chỉ các tay súng người Kurd và tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Quốc hội Iraq đáp trả vào ngày 4.10 bằng cách lên án quyết định nêu trên, và kêu gọi 2.000 quân Thổ Nhĩ Kỳ phải rời khỏi Iraq.

IS đang là mục tiêu chung của các nước liên quan, và tổ chức này có khu vực hoạt động nằm ở miền bắc Syria trải dài qua Iraq. Mâu thuẫn chủ yếu giữa Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở thành phố Mosul, đặc biệt khi quân đội Iraq và lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đang thúc đẩy việc tái chiếm Mosul.

Thổ Nhĩ Kỳ trong khi đó cảnh báo rằng cuộc tấn công của Iraq và Mỹ sẽ đẩy làn sóng người tị nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Ngoài ra, Ankara cũng lo ngại lực lượng Hồi giáo dòng Shiite ở Baghdad sẽ gây bất ổn cho thành phố Mosul với đa phần người Sunni gần biên giới của họ. Thêm vào đó, người Kurd – vốn là lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ xem là thù địch, lại được phép tham gia tấn công Mosul, càng khiến Ankara không hài lòng.

Các tay súng thuộc Lực lượng Dân quân người Kurd (YPG) là lực lượng cộng tác đánh IS hiệu quả của Mỹ ở Syria và Iraq, nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ cho là liên hệ mật thiết với đảng Công nhân người Kurd (PKK), một tổ chức khủng bố trong mắt chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.

Đáp lại phản ứng của quốc hội Iraq, phía Thổ Nhĩ Kỳ cuối ngày 4.10 đã gọi điện cho Đại sứ Iraq tại Ankara để phàn nàn. Một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói: “Chúng tôi tin rằng quyết định này (của Quốc hội Iraq) không phản ánh quan điểm của đa số người dân Iraq, những người trong nhiều năm qua đã được Thổ Nhĩ Kỳ sát cánh để hỗ trợ bằng tất cả những nguồn lực của mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.