Indonesia vẫn chưa thoát khỏi nguy cơ sóng thần

24/12/2018 11:57 GMT+7

Giới chuyên gia cảnh báo Indonesia nên chuẩn bị tinh thần trước khi đợt sóng thần kế tiếp ập đến, và nhiều khả năng cũng bất ngờ như thảm họa đêm 22.12 khiến ít nhất 281 người chết, hơn 1.000 người bị thương.

Sóng thần vừa xảy ra ở các đảo Sumatra và Java “dường như gây ra do sự sụp đổ trong lòng biển” của sườn núi lửa Anak Krakatau, theo AFP dẫn lời chuyên gia David Rothery của Đại học Mở tại Anh.
Anak Krakatau là một hòn đảo núi lửa cỡ nhỏ, cao 305 m nằm ở eo biển Sunda giữa 2 đảo Java và Sumatra. Cái tên Anak Krakatau có nghĩa là “Đứa con của Krakatau”, nhắc đến nguồn gốc hình thành là kết quả sau đợt bùng nổ dữ dội của núi lửa Krakatau vào năm 1883 khiến ít nhất gần 37.000 người thiệt mạng.
Indonesia có tổng cộng 127 núi lửa đang hoạt động và nằm trên “Vành đai lửa” Thái Bình Dương, nơi động đất và núi lửa phun trào xảy ra thường xuyên.
Tại sao thương vong quá lớn?
Anak Krakatau nằm gần các khu vực dân cư đông đúc và sóng thần do hoạt động của nó gây ra ập vào đất liền vào ban đêm, càng tạo nên sự phá hủy kinh hoàng.
Dù đợt sóng thần lần này không lớn, chuyên gia Richard Teeuw của Đại học Portsmouth (Anh) cảnh báo: “Những cơn sóng mang theo các mảnh vụn có thể gieo rắc nỗi kinh hoàng cho những cộng đồng ven biển, đặc biệt khi không có cảnh báo trước”.
Núi lửa Anak Krakatau đang "gầm gừ" Reuters
Tại sao không có cảnh báo?
Chuyên gia Rothery phân tích hệ thống phao cảnh báo sóng thần được đặt vào các vị trí cảnh báo sóng thần xuất phát từ động đất do hoạt động bất thường của các đĩa kiến tạo.
“Thậm chí trong trường hợp có phao sát núi lửa Anak Krakatau, vị trí của “hung thần" này quá gần các cộng đồng dân cư nên dù có cảnh báo cũng khó để người dân thoát thân kịp thời.
Nguy cơ chực chờ?
“Xác suất xảy ra sóng thần tại eo biển Sunda vẫn ở mức cao vì Anak Krakatau đang trải qua giai đoạn hoạt động tích cực và theo đó các đợt đất chuồi trong lòng biển sẽ còn xuất hiện”, theo chuyên gia Teeuw.
Còn chuyên gia Bardintzeff cũng cảnh báo giới chức Indonesia nên cẩn trọng vì “núi lửa đang trong giai đoạn bất ổn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.