Indonesia đã xử bắn một phụ nữ Việt

18/01/2015 11:43 GMT+7

(TNO) Lực lượng thi hành án Indonesia đã xử bắn 6 tử tù tội phạm ma túy, trong đó có một phụ nữ Việt, rạng sáng nay 18.1 tại hai địa điểm ở tỉnh Trung Java.

(TNO) Lực lượng thi hành án Indonesia đã xử bắn 6 tử tù tội phạm ma túy, trong đó có một phụ nữ Việt, rạng sáng nay 18.1 tại hai địa điểm ở tỉnh Trung Java.

Nhân viên nhà tù huyện Boyolali cầm ảnh của Trần Thị Bích Hạnh. Khi được hỏi về nguyện vọng, Bích Hạnh nói rằng chỉ mong bị thi hành án tử hình tại quê nhà - Ảnh chụp trang Facebook của Jakarta Globe
Jakarta Post cho hay 5 người, gồm 4 người đàn ông từ Brazil, Malawi, Nigeria và Hà Lan, cùng 1 phụ nữ Indonesia, đã bị xử bắn rạng sáng 18.1 tại một địa điểm cách nhà tù trên đảo Nusa Kambangan vài km.
Sau khi bị xử bắn các thi thể được xe cứu thương đưa đến huyệt chôn hoặc nhà hỏa táng theo đề nghị của thân nhân hoặc đại diện của các đại sứ quán từ quốc gia họ đặt tại thủ đô Jakarta, báo này cho hay.
Trong khi đó, người phụ nữ Việt tên Trần Thị Bích Hạnh, 37 tuổi, bị xử bắn tại huyện Boyolali, phát ngôn viên Văn phòng công tố Tony Spontana cho biết.
Ông này cũng cho biết Bích Hạnh trong nguyện ước cuối cùng của mình đề nghị không bị còng tay khi bị bắn.
Trước đó, tờ Jakarta Globe cho hay khi được hỏi ước nguyện cuối cùng của mình vào hôm trước ngày hành quyết, Bích Hạnh nói rằng mong ước được tử hình tại quê hương Việt Nam.
Bích Hạnh bị kết án tử hình tháng 11.2011 sau khi bị bắt với 1,1 kg “hàng đá” methamphetamine trong người tại sân bay Adi Soemarmo của huyện Boyolali.
Không rõ thi thể Bích Hạnh được đưa về đâu.
Trần Thị Bích Hạnh bị tòa án Indonesia kết án tử hình năm 2011 vì 9 lần mang ma túy vào nước này - Ảnh: Solopos
Giận dữ
Quyết định hành quyết 6 tử tù đầu tiên trong số khoảng gần 70 tử từ tội phạm ma túy này theo sau việc Tổng thống Indonesia Joko Widodo (thường được gọi là Jokowi) bác đơn xin ân xá của họ hôm 30.12.2014.
Ông Jokowi bác cả thư xin ân xá của chính phủ Hà Lan đối với công dân của họ là Ang Kiem Soe, 52 tuổi, sinh ra ở tỉnh Papua của Indonesia nhưng mang quốc tịch của quốc gia từng là “mẫu quốc” của xứ sở Đông Nam Á này.
Thư xin ân xá vào phút cuối của Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đối với công dân Marco Archer Cardoso Moreira, 53 tuổi, cũng bị ông Jokowi khước từ.
Vị tổng thống thứ 7 của nước Cộng hòa Indonesia, nhậm chức hôm 20.10.2014, thể hiện lập trường không khoan dung trước loại tội phạm được nói là gây ra cái chết của khoảng 40-50 người mỗi năm ở Indonesia.
Quyết định của ông gây chỉ trích mạnh mẽ bởi truyền thông và các tổ chức quốc tế.
Cảnh sát tăng cường an ninh tại nhà tù Nusa Kambangan trước khi đưa các tử tù đi hành quyết - Ảnh: Reuters
Xe cứu thương đưa thi thể các tử tù bị xử bắn trên đảo Nusa Kambangan đến nơi chôn cất hoặc hỏa táng - Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders trong một thông cáo hôm 17.1 cho biết ông tạm thời rút đại sứ của mình tại Jakarta về nước, đồng thời triệu tập người đại diện Indonesia tại The Hague để phản đối việc hành quyết công dân Ang Kiem Soei mà ông gọi là “tàn ác và vô nhân đạo”.
Ông Ang bị bắt năm 2003 tại Jakarta khi cảnh sát phát hiện những thiết bị có thể đã được dùng để sản xuất 15.000 viên ecstasy mỗi ngày trong vòng 3 năm. Cảnh sát khi đó cũng tịch thu 8.000 viên ecstasy và hàng ngàn USD. Ông Ang bị kết án tử hình ngay trong năm 2003.
Ngoại trưởng Koenders cũng cho biết Indonesia đã hành quyết công dân Hà Lan bất chấp cả việc Vua Willem-Alexander và Thủ tướng Mark Rutte đích thân liên lạc với Tổng thống Jokowi.
“Đó là một sự khước từ nhân phẩm con người không thể chấp nhận được”, Ngoại trưởng Koenders nói.
Đáp lại sự chỉ trích của quốc tế, người đứng đấu cơ quan công tố Indonesia, Muhammad Prasetyo nói rằng: “Việc chúng tôi làm chỉ thuần túy là bảo vệ quốc gia khỏi hiểm họa ma túy”.
Ông cũng lặp lại lời của Tổng thống Jokowi rằng Indonesia sẽ không khoan dung trước tội phạm ma túy và sẽ không ân xá cho bất kỳ ai trong số 64 tử tù phạm này còn lại hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.