Hợp tác kinh tế biển sẽ thắt chặt hợp tác APEC

12/11/2014 05:50 GMT+7

Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới.

>> APEC đánh giá cao việc triển khai hội nhập hiệu quả của Việt Nam

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các nền kinh tế APEC trồng cây lưu niệm tại Vườn Mùa hè, bên ngoài Trung tâm hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê (Bắc Kinh) - Ảnh: Giản Thanh Sơn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo các nền kinh tế APEC trồng cây lưu niệm tại Vườn Mùa hè, bên ngoài Trung tâm hội nghị quốc tế Hồ Nhạn Thê (Bắc Kinh) - Ảnh: Giản Thanh Sơn 

Hôm qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh quan điểm trên khi phát biểu tại phiên họp kín thứ 2 tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22 diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc) về chủ đề “Phát triển sáng tạo, cải cách và tăng trưởng kinh tế”.

 

Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Các nhà lãnh đạo thành viên APEC cùng nhất trí nỗ lực nhằm tiếp tục duy trì vai trò của APEC là diễn đàn quan trọng hàng đầu trong hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững, duy trì thịnh vượng và thúc đẩy môi trường thương mại và đầu tư mở ở châu Á - Thái Bình Dương.

Phát biểu tại phiên họp thứ 2, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Trong bối cảnh hệ lụy của khủng hoảng tài chính còn tác động sâu sắc, phục hồi kinh tế thế giới chưa vững chắc, phát triển sáng tạo và cải cách cần gắn với các nỗ lực phát triển bền vững, giảm khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới.

Chủ tịch nước khẳng định VN hoan nghênh và ủng hộ “lộ trình an ninh lương thực của APEC đến 2020”, vì an ninh lương thực là một trong những thách thức của nhân loại trong thế kỷ 21. Theo đó, Chủ tịch nước đề nghị cần coi trọng thỏa đáng mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa an ninh lương thực với an ninh nguồn nước; cần thúc đẩy hơn nữa hợp tác trao đổi và ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông nghiệp theo hướng thân thiện với môi trường sinh thái, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại cho các sản phẩm lương thực nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận lương thực của người dân.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh: Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế biển trên cơ sở cùng có lợi, bảo đảm hài hòa lợi ích của các thành viên sẽ góp phần làm sâu rộng hợp tác APEC trong giai đoạn mới, trong đó hợp tác ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hợp tác ngư nghiệp, ứng dụng khoa học - công nghệ... là những nội hàm không thể thiếu.

“Trước những thách thức và nguy cơ bất ổn hiện nay về môi trường an ninh và phát triển ở khu vực, vấn đề then chốt là chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy đối thoại và mọi nỗ lực phù hợp với luật pháp quốc tế và quy tắc ứng xử khu vực nhằm duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không và cùng hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có khu vực Đông Nam Á/biển Đông”, Chủ tịch nước bày tỏ quan điểm.

Trước khi bế mạc, hội nghị đã thông qua 2 tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC về “Chương trình nghị sự Bắc Kinh vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối” và “Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á - Thái Bình Dương”, cùng 4 văn kiện kèm theo về “Lộ trình Bắc Kinh về đóng góp của APEC đối với việc thực hiện Khu vực thương mại tự do toàn châu Á - Thái Bình Dương - FTAAP”, “Kế hoạch chiến lược của APEC về thúc đẩy hợp tác và phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu”, “Thỏa thuận APEC về phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng” và “Kế hoạch tổng thể kết nối APEC 2015 - 2025”.  

Tối qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn cấp cao VN đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội), kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 22. Hội nghị chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm và nỗ lực của các nền kinh tế thành viên vì một châu Á - Thái Bình Dương gắn kết, sáng tạo và kết nối, góp phần nâng cao vị thế của APEC và duy trì vai trò của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 23 sẽ được tổ chức tại Philippines vào năm 2015.

Bảo Cầm
(từ Bắc Kinh)

>> Căng thẳng địa chính trị tại APEC
>> 2 'việc lớn' của Tổng thống Putin tại APEC
>> Trung Quốc đang 'lobby' thành công cho các chiến lược tại APEC
>> Nga - Trung ký loạt thoả thuận hàng tỷ USD tại APEC
>> Ông Tập Cận Bình trấn an doanh nghiệp APEC
>> Trung Quốc muốn gì ở APEC?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.